Bốn Cái Nhân Để Tái Sinh Về Cực Lạc Tịnh
Độ Của Đức Phật A Di Đà
Theo bản Kinh được gọi là Cổ Âm,
cách đây vô số kiếp có một Vương quốc Vui Mừng mà vị quốc chủ có lòng sùng kính
tuyệt vời đối với đức Phật thời đó, đức Thế Tự Tại Vương Phật (Lokeshvaraja).
Nhà vua từ bỏ vương quốc của ngài, trở thành một tu sĩ, và nguyện đạt đến giác ngộ.
Ngài bày tỏ bồ đề tâm nguyện qua bốn mưới tám lời nguyện, và hứa sẽ không nhận
Phật Quả nếu bất kỳ một lời nguyện nào trong những lời nguyện này không thành tựu
được. Với những lời nguyện này, trái đất rung chuyển và bầu trời đổ mưa hoa. Những
lời tán dương vang lên kèm theo lời tiên tri rằng vị tăng sĩ này chắc chắn sẽ
trở thành một vị Phật. Và Ngài đã thành Phật, đó là đức Phật A Di Đà.
Trong kiếp sống làm vị tăng sĩ bồ
tát này của Ngài, Đức Phật A Di Đà đã nhìn thấy rằng vô số tịnh thổ hiện có đều
dành cho những vị đã thực chứng, thắng được những ảo tưởng của tâm, nhưng không
có cõi giới nào như thế mà những ai vẫn đang còn nỗ lực trên đường tu có thể
đến được. Trong số bốn mươi tám lời nguyện của Ngài là ước nguyện tạo ra một
cõi giới thanh tịnh cho tất cả những ai nghe đến danh hiệu của Ngài, ước mơ đạt
đến được cõi giới đó, thiết lập những cội rễ công đức, và hồi hướng phước đức của
họ ngõ hầu được tái sinh về đó. Ý nguyện của Ngài mãnh liệt đến nổi Ngài thề sẽ
không nhận lấy Phật Quả nếu Phật Quả không làm cho Ngài có khả năng hóa hiện ra
được một cõi giới như thế.
Trong trạng thái giác ngộ của Ngài,
đức Phật A Di Đà trụ lại trong giác tánh vô ngại của Pháp Thân, trong sự chứng
ngộ không gián đoạn của bản tánh tuyệt đối (toàn hảo), trong cái tính rỗng rang
cùng khắp. Nhưng cái bản tánh rỗng không, cái không gian căn bản,
của Pháp Thân không phải là sự trống không thuần túy; nói đúng hơn thì nó chất
chứa đầy đủ tiềm năng để tự nó khởi sinh bất tận thành những hiện tướng của Báo
Thân và Hóa Thân. Những cõi giới thọ dụng thanh tịnh (tịnh thổ thọ dụng) và các
cung điện cõi trời hóa hiện ra cho chư Phật và chư Bồ Tát ở địa thứ mười, những
bậc đã gỡ bỏ được những chướng ngại và vì nhờ đó có thể trải nghiệm và thụ hưởng
các hiện tượng thanh tịnh như thế. Các hiện tướng của Hóa Thân khởi sinh tùy
theo nghiệp của chúng sinh trong sáu cõi.
Cõi Cực Lạc (Dewachen), cõi giới của
“Đại Hỷ Lạc” hóa hiện ra nhờ những ước nguyện của đức Phật A Di Đà, có thể đạt
đến được bởi những chúng sinh chưa trở thành những bồ tát của địa thứ mười
nhưng có tín tâm nơi đức Phật A Di Đà và khát khao được tái sinh về cõi giới
thanh tịnh của Ngài. Ở đó, các chúng sinh này có thể tiếp tục con đường tu tập
của họ để đạt đến giác ngộ trong một môi trường đầy hỷ lạc, vượt ngoài tầm với
của sự khổ đau. Trong Phật Giáo Kim Cương Thừa, việc điều hướng sự tái sinh của
một người về Cõi Cực Lạc đạt được hiệu quả nhất qua phương pháp p’howa.
Ngay cả một người chưa thành tựu một
mức độ thanh tịnh cao nhưng qua tín tâm và nguyện vọng mạnh mẽ cũng có thể được
tái sinh về Cõi Cực Lạc. Sau khi chết, tâm thức của một người như thế sẽ được
bao bọc trong một hoa sen cho đến khi hầu hết những chướng ngại tan biến và cõi
giới thanh tịnh đó trở nên cảm nhận được. Khi hoa sen đó nở ra, người ta trải
nghiệm một vùng đất của những nguyên tố hài hòa, không có sự thô nhám, không có
những vật nhọn, nguy hiểm hoặc gây tổn hại. Nhiệt độ tự điều chỉnh theo những sở
thích của từng cá nhân. Hoa trải làm thảm trên mặt đất và gió thổi nhẹ nhàng,
mang theo những mùi hương ngào ngạt. Nhiều loại chim kỳ lạ hót những bản đạo ca
du dương, tiếng chuông reo ngọt ngào, và sự rung động nhẹ nhàng của cây cối
chuyển tải những ý nghĩa thiêng liêng.
Cung điện nguy nga của đức Phật A
Di Đà đứng ở trung tâm của Cõi Cực Lạc và đức Phật tự tọa ở trong đó, trên một
chiếc ngai lộng lẫy do tám con công nâng. Nhìn ngắm sắc diện của đức Phật A
Di Đà làm thanh tịnh được nhiều chướng ngại, tiếp nhận giáo lý trực tiếp từ
Ngài làm mở ra được vô số cửa cho thiền định. Người ta có thể tiếp nhận Giáo
Pháp và thăm viếng những cõi giới thanh tịnh khác theo ước muốn của mình.
Phía sau cung điện mọc lên một cây
bồ đề uy nghi mà trên mỗi chiếc lá đều có một câu thần chú và trĩu đầy châu
báu. Trông thấy cây này thị lực được bảo vệ, sờ vào cây này sức khỏe được bảo đảm,
và nghĩ về cây này mang lại được sự định tâm tuyệt vời.
Chúng sinh ở Cõi Cực Lạc có thân thể
màu hoàng kim, và khi họ gần đạt được giác ngộ thì ba mươi hai tướng chính và tám
mươi tướng phụ của sắc tướng giác ngộ xuất hiện. Những thành viên của tăng đoàn
tôn quý là những tăng sĩ, như chính đức Phật A Di Đà, nhưng nhiều hóa thân khác
của những bậc trí tuệ cũng an trú ở đó.
Không có sự căng thẳng, buồn chán,
xấu ác hoặc khổ đau làm vấy bẩn sự toàn hảo của Cõi Cực Lạc, tuy nhiên người ta
vẫn chưa được tách lìa khỏi những hoàn cảnh của chúng sinh bị kẹt trong những
vòng sinh tử luân hồi. Người ta có thể chứng kiến hoàn cảnh khổ đau của những
chúng sinh đó và cùng lúc biết được nỗi đau tương đối và cái bản tánh huyễn ảo
tuyệt đối của họ. Vì lòng bi mẫn của một vị trong tư cách là một vị bồ tát thiện
xảo thì không bị ngăn ngại, cho nên một vị có thể chọn hóa hiện và nhận lấy tái
sinh vào cõi sinh tử luân hồi, không phải xuất phát từ sự bắt buộc của nghiệp
mà từ lòng yêu thương và bổn phận đối với những chúng sinh khác. Biết được những
phẩm chất kỳ lạ này của Cõi Cực Lạc và khát vọng được tái sinh về nơi đó là cái
nhân đầu tiên của bốn cái nhân khiến cho tìm ra được một sự tái sinh như thế.
Cái nhân thứ hai là cái động lực
thanh tịnh: xuất phát từ lòng bi mẫn đối với chúng sinh, chúng ta tìm kiếm sự
giác ngộ ngõ hầu mang chúng sinh cùng đến giác ngộ như mình. Sự phát khởi tâm bồ
đề này xảy ra khi những phẩm chất thuần tịnh của phật tánh của chúng ta – tâm bi, tâm từ, tâm hỷ và tâm xả - dâng trào xuyên qua những
tầng lớp của những mối quan tâm ích kỷ phàm phu và khơi dậy tính tâm linh của
chúng ta. Theo cách nhìn của pháp môn p’howa thì điều đó có nghĩa là chúng ta
có ý định hoàn thành pháp tu này và sử dụng nó làm một phương tiện để giải
thoát chính chúng ta khỏi những giới hạn của sinh tử luân hồi ngõ hầu làm lợi lạc
cho người khác (tha nhân). Vì vậy, chúng ta sẵn lòng ra sức lắng nghe và suy ngẫm
về những giáo lý và tu luyện thiền định. Sự tu luyện pháp môn p’howa tự nó biến
thành một lĩnh vực cho việc tích cực dấn thân vào bồ đề tâm qua Sáu Pháp Siêu Việt (sáu ba la mật) gồm có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và
trí tuệ siêu việt. Điều này sẽ được thảo luận nhiều hơn trong chương nói về sự
huấn luyện pháp p’howa.
Sự tích lũy công đức tạo nên cái
nhân thứ ba cho sự tái sinh về Cõi Cực Lạc, và điều này được hoàn thành một
cách hiệu quả qua việc thực hiện pháp Cúng Dường Bảy Nhánh, pháp này cần thiết
đối với nhiều pháp công phu. Vì pháp tu này gắn liền với đức Phật A Di Đà, nên
nó bao gồm những điều sau đây:
1. Lễ
lạy. Quán tưởng đức Phật A Di Đà trong không gian ngay trước mặt chúng ta,
chúng ta kính lễ sắc thân giác ngộ của Ngài bằng cách đưa hai bàn tay lên đỉnh
đầu, kính lễ lời nói giác ngộ của Ngài bằng cách đưa hai bàn tay đến nơi cổ họng,
và kính lễ tâm giác ngộ của Ngài bằng cách đưa hai bàn tay đến tim. Rồi chúng
ta lễ lạy phủ phục, quán tưởng người cha của mình bên phải, mẹ mình bên trái,
ma quỷ sau lưng, kẻ thù trước mặt, và tất cả chúng sinh vây quanh chúng ta. Tất
cả đều lễ lạy với chúng ta, tụng những bài cầu nguyện và quán tưởng đức Phật A
Di Đà. Ai đó cũng có thể quán tưởng vô số hóa thân tinh thần của chính mình
cúng dường lễ lạy đức Phật A Di Đà. Những sự lễ lạy hóa giải cái độc tố kiêu ngạo.
2. Cúng
Dường. Chúng ta cúng dường đức Phật A Di Đà vô số mạn đà la. Ba ngàn đại thiên
thế giới, tiêu biểu cho những hiện tượng vô hồn, công dụng như là cái thùng chứa,
và tất cả hữu tình - những hiện tượng có sự sống – là những gì được chứa đựng
bên trong. Sự cúng dường đó được sắp xếp
thành một vũ trụ bao la, với Núi Tu Di ở trung tâm, bao quanh là bảy vòng núi
vàng nhô lên từ những biển nước thanh tịnh. Ở đỉnh Núi Tu Di là những cõi trời trang nghiêm. Ở các hướng chính là bốn châu lục, mỗi lục địa có hai tiểu lục địa
nằm kề sát bên, bao gồm cả lục địa phương nam của chúng ta cùng với những cây
như ý của nó. Chúng ta quán tưởng những thiên nữ cúng dường những hình thể, âm
thanh, mùi hương thích thú, những vật để sờ chạm, và thực phẩm để nếm, cũng như
tám biểu tượng cát tường, bảy món vật dụng trang bị sang trọng, và
tám chất liệu quý báu – thực ra mọi thứ có thể dâng cúng được tùy theo sự quý
báu của nó, vẻ đẹp của nó, hoặc sự thiêng liêng của nó. Việc cúng dường hóa giải sự tham bám ích kỷ.
3. Sám
Hối. Triệu thỉnh đức Phật A Di Đà làm người chứng giám cho chúng ta, chúng ta
thừa nhận và bày tỏ sự hối hận về tất cả những gì mình đã làm sai qua thân, lời
nói và ý nghĩ (thân, khẩu, ý). Chúng ta nguyện sẽ không tái phạm những sai lầm
này, và đón nhận sự thanh tẩy của đức Phật A Di Đà dưới dạng ánh sáng thâm nhập
vào và tẩy sạch hoàn toàn mọi tội lỗi của chúng ta. Sám Hối hóa giải tính nóng
giận.
4. Tùy
Hỷ. Với việc chỉ thuần là trân trọng và
lấy làm vui với công đức của những ai cầu nguyện và hành thiền về đức Phật A Di
Đà và, phổ biến hơn, của những ai đã bước vào đường tu để giải thoát, chúng ta
hóa giải tính tranh đua và đố kỵ mà thỉnh thoảng chúng khởi lên đối với những
người tu hành khác. Bất kỳ ai thành tâm tùy hỷ công đức của người khác cũng đều
tích lũy được lượng phước báu giống y như người thực hiện công đức đó.
5. Thỉnh
Cầu Giáo Lý. Sự tích lũy trí tuệ siêu việt (Tạng ngữ: sherab) được thực hiện
qua việc nghe, suy ngẫm, và thiền quán về giáo lý. Điều này bắt đầu từ việc thỉnh
cầu giáo lý. Đặc biệt là chúng ta có thể thỉnh cầu giáo lý về pháp p’howa và những
chủ đề liên quan, điều này hóa giải sự vô minh của chúng ta.
6. Khẩn
Nài Các Đấng Chiến Thắng Ở Lại. Chúng ta cầu nguyện những bậc chứng ngộ hãy lưu
lại với chúng ta và đừng nhập vào niết bàn. Với việc nhận ra được các vị đạo sư
(lạt ma) hướng dẫn chúng ta hành thiền về đức Phật A Di Đà là bất khả phân với
đức Phật A Di Đà, chúng ta trau dồi (trưởng dưỡng) sự nhận thức thuần tịnh về
những gì được gọi là thiêng liêng. Điều này hóa giải sự thấy biết sai lầm (tà kiến).
7. Hồi
Hướng. Việc hành thiền về bất kỳ một đặc điểm nào của đức Phật A Di Đà cũng đều
tạo ra lượng công đức to lớn. Việc cúng dường công đức này đến phúc lợi chung của
chúng sinh làm cho công đức đó gia tăng và giữ cho nó không bao giờ bị mất hoặc
sụt giảm đi. Qua sự hồi hướng, công đức được tạo ra bởi một cá nhân làm gia
tăng công đức của tất cả chúng sinh chắc chắn như là dầu được một ai đó châm thêm vào một ngọn đèn làm kéo dài và tăng
thêm ánh sáng được chia sẻ bởi cả một gian phòng đầy người. Việc hồi hướng hóa
giải những mối nghi ngại mà nó có thể làm khởi sinh sự lo âu về khả năng hoàn
thành được cái mục đích tối hậu của một người nhằm giải thoát tất cả chúng sinh,
không ngoại trừ chúng sinh nào, vào sự đại hỷ lạc của cõi giới thuần tịnh của đức
Phật A Di Đà. Hồi hướng là cái nhân thứ tư cho việc tái sinh về Cõi Cực Lạc.
Om Ami Dewa Hrih







P’howa Commentary – Chagdud Khadro
Việt dịch: Tiểu Tăng Nguyệt Quang Bảo
Turners Station, KY: 05/8/2018
Việt dịch: Tiểu Tăng Nguyệt Quang Bảo
Turners Station, KY: 05/8/2018







No comments:
Post a Comment