Tuesday, January 30, 2018

DÒNG TRUYỀN THỪA ĐẠI ẤN DRIKUNG KAGYU


Ba Giòng Suối của Dòng Truyền Thừa Hòa Nhập vào Drikung Kagyu


Phiên bản Hoàn thiện về
bức Tranh thờ của
Dòng Truyền Thừa

Phiên bản Vắn tắt về
bức Tranh thờ của
Dòng Truyền Thừa
Xem Biểu Đồ Truyền Thừa Dòng Drikung Kagyu 



Sự Trao Truyền Truyền Thừa
(Ba Giòng Suối Truyền Thừa Hòa Thành Một)



A. Dòng Thực Hành Thâm Uyên

Dòng Truyền Thừa này được Đức Phật Di Lặc trao truyền cho ngài A-san-ga (Asanga – Vô Trước), rồi ngài Vô Trước truyền xuống ngài Va-su-ban-du (Vasubandhu – Thế Thân), rồi đến ngài Arya Namdrole, Namdrol De, Chokgi De, Dulwai De, Khenpo Yangdak Namnangze, Sengha Badra, Rinchen Zangpo, Rata Prajnapala, Gunamaitra, Atisha, Gampopa, Phagmo Drupa, Lord Jigten Sumgon (người tạo lập dòng Drikung Kagyu) cho đến những vị thủ ngai của dòng truyền thừa hiện nay là Chokyi Jugne (Chuntsang Rinpoche Đương Thời) và Thinley Lhundrub (Chetsang Rinpoche Đương Thời).





B. Dòng Truyền Thừa Quán Sát Thâm Sâu 
Thánh giả Na-ga-du-na (Arya Nagarjuna) truyền xuống ngài Chandrakirti, rồi đến Rigpe Khuchuk, Elder Kusali, Younger Kusali, Atisha, Gampopa, Phagmo Drupa, Lord Jigten Sumgon (vị tạo lập dòng Drikung Kagyu) và tiếp tục cho đến các vị thủ ngai hiện nay của dòng truyền thừa là Chokyi Jugne (Chuntsang Rinpoche Đương Thời) và Thinley Lhundrub (Chetsang Rinpoche Đương Thời).


C. Dòng Truyền Thừa Thực Chứng Thiền Định Gia Trì Thâm Uyên

Đức Phật Kim Cương Trì trao truyền xuống cho ngài Siddha Tilopa, ngài Siddha Tilopa truyền xuống cho ngài Siddha Naropa, rồi đến ngài Marpa Lotsawa, Jetsun Milarepa, Lharje Gampopa (Dhagpo), Phagmo Drupa, rồi đến Lord Jigten Sumgon (vị tạo lập dòng Drikung Kagyu) và tiếp tục cho đến những vị thủ ngai ngày nay của dòng truyền thừa là Chokyi Jugne (Chuntsang Rinpoche Đương Thời) và Thinley Lhundrub (Chetsang Rinpoche Đương Thời). – Xem sơ đồ dưới đây.

  




Tóm Lược Dòng Truyền Thừa Drikung Kagyu


Dòng Truyền Thừa Drikung Kagyu là một trong những dòng truyền thừa Kagyu, được đại đạo sư tâm linh Kyobpa Jigten Sumgon tạo lập vào năm 11791. Dòng truyền thừa này được trực tiếp trao truyền từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đức Phật nguyên thủy, Kim Cương Trì. Thông qua những vị đạo sư đã đạt được sự giác ngộ toàn hảo, tất cả những Giáo Pháp trân quý của hai vị Phật đã từ ba dòng truyền thừa truyền đến cho Gampopa. Dòng truyền thừa đầu tiên được gọi là dòng Thực Chứng Gia Trì Tuyệt Hảo. Dòng này được đức Phật Kim Cương Trì trao truyền cho Tilopa, rồi từ Tilopa truyền xuống Naropa, rồi Marpa, rồi đến Milarepa, rồi Milarepa truyền xuống cho Gampopa. Dòng truyền thừa thứ hai được gọi là dòng Quán Sát Thâm Uyên. Dòng này từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền xuống cho ngài Long Thọ (Nagarjuna), rồi đến Chandrakirti, và như thế tiếp tục truyền xuống cho đến Atisha, và rồi Atisha truyền xuống cho Gampopa. Dòng truyền thừa thứ ba được gọi là dòng Thực Hành Tối Thắng. Dòng này được truyền từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi (Manjushri), rồi Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi truyền cho Bồ-tát Di Lặc (Maitreya), rồi Bồ-tát Di Lặc truyền xuống ngài Vô Trước (Asanga), và tiếp tục trao truyền như thế cho đến ngài A-ti-sa (Atisha), rồi ngài A-ti-sa truyền xuống ngài Gampopa. Ngài Gampopa tiếp nhận những giáo lý thâm uyên, những khẩu truyền bí mật, những sự gia trì và những pháp truyền khác của cả ba dòng truyền thừa này. Rồi tất cả những giáo lý này được Gampopa ban truyền lại cho Phagmo Drupa.

Tuy cùng một xuất xứ, tại thời điểm đó dòng truyền thừa Kagyu được chia thành nhiều chi nhánh khác nhau, mỗi nhánh đều chuyển tải những giáo lý hoàn chỉnh cùng với những sự gia trì từ những bậc giác ngộ. Tựa như cây như ý vậy, cùng chung một gốc nhưng lại phân chia thành nhiều nhánh khác nhau, mỗi nhánh đều cho ra nhiều hoa quả kỳ diệu. 

Dù Phagmo Drupa có cả hàng trăm ngàn đệ tử, nhưng Lord Jigten Sumgon là một trong những đệ tử hàng đầu và thân cận nhất của ngài. Phagmo Drupa tiên đoán rằng những giáo lý và những sự gia trì sẽ được tiếp tục bởi một vị Bồ-tát, (Jigten Sumgon), người đã đạt đến được Thập Địa. Jigten Sumgon tiếp nhận từ Phagmo Drupa những giáo lý hoàn chỉnh, những khẩu truyền bí mật, những sự giảng giải và các pháp quán đảnh, cùng với những sự gia trì để đạt được thực chứng giác ngộ và nhiều điều khác nữa. Jigten Sumgon ban truyền tất cả những giáo lý hoàn chỉnh này, kể cả Sáu Yoga của Naropa, cho vị đệ tử hàng đầu của ngài là Gurawa Tsultrim Dorje. Tất cả những năng lượng đã giác ngộ, những sự gia trì và giáo lý này đã được trao truyền xuống qua các đại sư tâm linh cho đến hai vị thủ ngai thứ 36 và 37 hiện nay, His Holiness Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche và His Holiness Drikung Kyabgon Chungtsang. Hai vị này nằm trong số những đạo sư tâm linh trân quý nhất trong dòng truyền thừa Drikung Kagyu và là vị thủ ngai trực tiếp của dòng truyền thừa của Jigten Sumgon. Giữa những đệ tử của ngài, Lord Jigten Sumgon lặp đi lặp lại lời tiên tri rằng: “Trong tương lai, giáo lý của ta sẽ được hưng thịnh nhờ ở hai vị Bồ-tát, bởi lòng từ bi và trí tuệ của họ. Hai vị này như là mặt trời và mặt trăng” His Holiness Chetsang Rinpoche như là mặt trời. Ngài là hiện thân của đức Quán Thế Âm, vị bổn tôn của lòng bi mẫn. His Holiness Chungtsang Rinpoche như là mặt trăng. Ngài là hiện thân của đức Văn Thù Sư Lợi, vị bổn tôn của trí tuệ.

 Dòng Drikung nổi tiếng về Đại Pháp Thực Hành Phowa (pháp Chuyển Di Thần Thức) và các đại thiền giả. Có nhiều câu chuyện kể về những vị đã đạt được giác ngộ trong một đời. Trong thập niên 1980, cùng với nhiều vị thầy khác, những vị yogis vĩ đại của dòng Drikung đã giảng dạy ở Tây Tạng và Ấn độ là Pachung Rinpoche và Khyunga Rinpoche. Khyunga Rinpoche đã được thực chứng về Bổn Tôn. Chỉ trong một đời tu tập, ngài đã trực tiếp diện kiến được đức Bổn Tôn Chakrasamvara  (Thắng Lạc Kim Cương). Ngài đã dạy nhiều khóa ba năm nhập thất, kể cả Sáu Yoga của Naropa. Trong thời gian đó, những vị đại đạo sư nhập thất này đã mang lại nhiều nguồn cảm hứng thật tuyệt vời. Ngay cả hiện tại cũng vậy, có những Thiền Sư vĩ đại của dòng Drikung như là Garchen Rinpoche, Tenzin Nyima Rinpoche, và Druwang Rinpoche. Druwang Rinpoche đã đạt được chứng ngộ cao về Đại Thủ Ấn và nổi tiếng về việc xuống phố và hát những bài ca tâm linh giống như Milarepa. Thỉnh thoảng ngài cúng dường đức Đạt Lai Lạt Ma và các Ngài Thánh Thiện Thủ Ngai của dòng Drikung cùng những lạt ma cao cấp khác một bài ca chứng đạo. Có nhiều vị thầy vĩ đại đang nhập thất ở Tây Tạng và Ấn độ đạt đến được điều họ truy cầu. His Holiness Kyabgon Chetsang Rinpoche đã thiết lập Học Viện Drikung Kagyu, Jang Chubling, ở Dehra Dun, miền Bắc Ấn độ. Nhiều tăng sĩ theo học ở đó và tham dự khóa ba năm nhập thất. His Holiness thường lui tới nhiều tu viện dòng Drikung ở Ladakh, Ấn độ và Nepal, truyền dạy những giáo lý mở rộng cho chư tăng, ni và những người thế tục từ phương Đông và phương Tây đến học.




Đường Tu Thâm Uyên Năm Nhánh Của Pháp Đại Ấn Thuộc
Dòng Truyền Thừa Drikung Kagyu Vinh Quang

Trong truyền thống Kagyu của Phật giáo Tây Tạng, Mahamudra hay “Đại Ấn” được xem là tinh túy của giáo lý của chư Phật. Đôi khi còn được nói đến như là giáo lý tối thượng và thâm uyên nhất của chư Phật. Có khi pháp Đại Ấn này được đem ra so sánh với pháp Dzogchen (“Đại Viên Mãn”) – theo dòng Nyhingma (Ninh Mã) thì pháp này là tinh túy của giáo pháp của chư Phật. Thật chẳng có gì để lấy làm lạ là đã từng có một số nhân vật trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng đã giảng dạy sự tổng hợp hay là sự hợp nhất của pháp Đại Ấn và Đại Viên Mãn. Nhiều vị khác thì thấu triệt được cả hai nhưng giảng dạy hai pháp này riêng biệt tùy theo những học trò mà họ thấy thích hợp. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vị khác, mà là số đông, tập trung vào việc thấu triệt chỉ một trong hai – hoặc là Đại Viên Mãn, hoặc là Đại Ấn.

Dòng truyền thừa Đại Ấn có thể truy tìm ra được nhờ dựa vào “dòng truyền thừa xa” cũng như “dòng truyền thừa gần”. “Dòng truyền thừa xa” được truy từ những vị thủ ngai hiện tại của dòng truyền thừa uyên thâm này ngược lại cho đến tận cùng là đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Mặt khác, “dòng truyền thừa gần” được truy từ những vị thủ ngai hiện tại ngược lại cho đến những đại thành tựu giả Ấn độ như là Saraha, Maitripa, Tilopa và Naropa - vị đã tiếp nhận những giáo lý Đại Ấn trực tiếp từ đức Phật Kim Cương Trì. Tuy nhiên, cần phải nói rõ ra rằng mặc dù những đại thành tựu giả Ấn độ này đã tiếp nhận những giáo lý Đại Ấn trực tiếp từ đức Phật Kim Cương Trì (và do đó mà trở thành một phần của “dòng truyền thừa gần”), các vị đó cũng là những vị thủ ngai của “dòng truyền thừa xa” vì chư vị cũng tiếp nhận những giáo lý Đại Ấn từ những vị thầy mà những vị thầy đó cũng là loài người và là những vị thủ ngai của “dòng truyền thừa xa” này. Do vậy, những dòng Đại Ấn hiện đang được nhiều dòng Kagyu khác nhau trì giữ là những dòng vừa “xa” mà cũng vừa “gần”. Cần phải nêu rõ ra rằng những dòng Đại Ấn cũng được tìm thấy trong truyền thống Gelug vì nhiều vị đạo sư của truyền thống này trong quá khứ cũng đã thọ nhận những giáo huấn Đại Ấn từ những vị thủ ngai của Đại Ấn trong truyền thống Kagyu. Dòng truyền thừa Đại Ấn này được biết đến với tên gọi là dòng “Đại Ấn Gelug – Kagyu” – có khi được dịch là dòng “Đại Ấn Thì Thầm Gelug” hoặc dòng “Đại Ấn Khẩu Truyền Gelug”.

Hầu hết những dòng Đại Ấn Kagyu đều bắt nguồn từ những giáo lý Đại Ấn được Gampopa (1079-1153) ban truyền cho học trò của ngài. Chính tự thân Gampopa đã tiếp nhận pháp Đại Ấn từ vị bổn sư của ngài là Milarepa (1052-1135), người đã tiếp nhận giáo pháp đó từ vị bổn sư của ngài là Marpa (1012-1096). Marpa là một người Tây Tạng, đã đến Ấn độ và Nepal, và tiếp nhận được nhiều giáo lý từ những thành tựu giả người Ấn độ - quan trọng nhất là Naropa và Maitripa, những vị đã trao truyền cho Marpa trọn vẹn những nền tảng, đạo lộ và sự thành tựu của pháp Đại Ấn. Chính Gampopa đã kết hợp những giáo lý thâm uyên về Đại Ấn với những phương pháp thực hành theo trình tự giống như cách mà truyền thống Kadam giảng dạy. Atisha, học giả Ấn độ, đã lập nên truyền thống Kadam ở Tây Tạng. Trước khi trở thành đệ tử của Milarepa, Gampopa là một tăng sĩ theo truyền thống Kadam. Dù rằng có nhiều cuộc tranh cãi mang tính học thuật về vị trí và thể dạng của Đại Ấn trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, Gampopa có vẻ như đã chủ yếu là ủng hộ hai phương pháp có thể đạt đến được Đại Ấn. Theo Gampopa, Đại Ấn có thể đạt đến được cả bằng phương pháp kinh điển lẫn mật điển. Do đó mà có Đại Ấn kinh điển và Đại Ấn mật điển. Cũng có khi nghe nói rằng Gampopa cũng truyền dạy một phương pháp thứ ba để tiếp cận Đại Ấn mà không phải dựa theo kinh điển hay mật điển.

Bắt đầu từ Gampopa trở về sau, nhiều dòng truyền thừa khác nhau của Đại Ấn bắt đầu đúc kết những giáo lý của họ lại theo những thể dạng khác nhau của Đại Ấn được truyền dạy bởi Gampopa và những hậu duệ tâm linh của ngài. Vài truyền thống của Đại Ấn có thể được truy ngược lại đến Gampopa hoặc những hậu duệ của ngài là truyền thống “Vừa Tác Thành Vừa Hợp Nhất”, “Sáu Nếm Trải Như Nhau”, “Bốn Chữ Cái” và “Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh.” Những truyền thống này hiện vẫn còn được duy trì bởi bốn dòng Kagyu còn tồn tại (Karma, Taglung, Drukpa và Drikung Kagyu).

Trong dòng Drikung Kagyu, hệ thống chính của Đại Ấn được gọi là “Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh” hay còn được gọi là “Sở Hữu Năm.” Dù rằng chính Gampopa cũng đã truyền dạy phương pháp cá biệt này để tiếp cận Đại Ấn, tên gọi của phương pháp này lại được đặt bởi người thừa kế ngài là Phagmo Drupa (1110-1170), vị bổn sư của người tạo lập ra dòng Drikung Kagyu, Kyobpa Jigten Sumgon. Đành rằng hệ thống của Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh này được nắm giữ chủ yếu là bởi những hành giả của dòng Drikung, nhưng chính Phagmo Drupa lại soạn ra một văn tự nói về hệ thống này với tên gọi là “Những Bài kệ về Con Đường Năm Nhánh.” Các đạo sư của dòng Trophu Kagyu (dòng Kagyu cá biệt này không còn tồn tại với tư cách là một dòng truyền thừa độc lập nữa) và dòng Taglung Kagyu cũng đã có viết về hệ thống cá biệt này. Gyalwa Yang Gonpa, một vị thầy của dòng Drukpa Kagyu viết “Giọt Cam Lồ: Con Đường Năm Nhánh.” Đấng Toàn Trí Pema Garpo của dòng Drukpa Kagyu cũng viết về hệ thống này trong tác phẩm “Cốt Lõi của Tâm” của ngài. Situ Chokyi Jungne cũng viết những luận giải phổ thông về Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh. Trong phần “Lời Tựa” của ngài viết cho quyển sách của ngài Khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche, “Tràng Hoa của Những Thực Hành Đại Ấn,” (một bản dịch của Gyalwang Kunga Rinpoche (1475-1527) là “Diễn Nghĩa Chuỗi Ngọc của Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh.”) Đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche có chỉ rõ ra rằng thời nay những ai nương tựa vào hệ thống này thì hầu hết đều làm theo những luận giải do Drikung Dharmakirti ban truyền cho. Nhiều vị thầy khác trong quá khứ của dòng Drikung Kagyu cũng viết những luận giải phổ thông về hệ thống Đại Ấn này. Trong một sự kiện như thế mà chẳng một ai được biết rằng chính ngài Kyobpa Rinpoche cũng viết nhiều bài vở và bài ca về chủ đề này.


Pháp Vương Gampopa

Theo hệ thống này thì năm “nhánh” của con đường thâm uyên này của Đại Ấn là:
1)      Bồ đề tâm – chí hướng vị tha, muốn giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi sinh tử luân hồi,
2)      Bổn Tôn – sự tu tập quán tưởng bản thân là một đấng giác ngộ tối cao,
3)      Đạo sư du già – sự truy cầu sự hợp nhất với tâm trí tuệ của Đạo sư,
4)      Đại Ấn – sự dấn thân thực sự vào pháp Đại Ấn và cuối cùng là,
5)      Hồi Hướng – sự hồi hướng tuyệt vời những công đức của bản thân.

Trước khi ai đó có thể bắt đầu dấn thân vào những pháp thực hành đã được sắp đặt sẵn trong hệ thống này, điều trước tiên là người ta cần phải tập trung vào những pháp tu căn bản. Sự tu tập “nhánh” đầu tiên giả định rằng (hành giả) đã có sự hoàn thành từ trước những gì được gọi là “những pháp tu căn bản” (Tạng ngữ gọi là ngondro). Những pháp tu căn bản này được chia ra thành những pháp tu ngoại và nội. Những pháp tu ngoại nói đến “Bốn Ý Tưởng Xoay Chuyển Tâm” do ngài Gampopa truyền dạy. Những ý tưởng này thiết lập trong dòng tâm thức của người ta bốn thực chứng về:

       1)      Vận may tuyệt vời được sinh ra trong một thân người quý hóa,
       2)      Tính phổ quát của vô thường
       3)      Những chuyển vận hoàn toàn không sai lầm của luật nhân quả và
       4)      Bản chất của sinh tử luân hồi là bản chất của khổ đau. 2


Sau khi đã thiết lập được một nền tảng vững chắc về bốn ý tưởng này trong dòng tâm thức rồi, người đó có thể bắt đầu tiến hành những pháp tu nội căn bản. Những pháp tu này là:


       1)      Thực hành quy y xác định và củng cố sự phó thác đời mình cho Tam Bảo,
       2)      Thực hành phương pháp tịnh hóa Kim Cương Tát Đỏa để tiệt trừ tận gốc rễ ác nghiệp và các dấu ấn của nghiệp của mình.
       3)      Cúng dường mạn đà la nhằm tích tụ vô lượng công đức cần phải có để đạt được quả vị Phật viên mãn và
       4)      Thực hành pháp đạo sư du già để có được những sự gia trì tạo nguồn cảm hứng từ chư bổn sư và chư đạo sư của dòng truyền thừa.

Chỉ một khi đã “hoàn thiện” những pháp tu này rồi (mỗi pháp tu trong bốn pháp tu đó đều phải được thực hiện 100.000 lần) thì người đó mới thực sự thích hợp để bắt đầu thực hành nhánh thứ nhất của Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh  - bồ đề tâm.
Nói đến bồ đề tâm, trong một trong nhiều bài ca kim cương của mình, Kyobpa Rinpoche có hát:

“Nếu tư chất cao quý của lòng yêu thương và bi mẫn

Không vận hành để mang lại lợi ích cho tha nhân,
Thì nó sẽ chẳng được tưởng thưởng giữa tập hội của trời và người.
Do vậy, hãy chăm chú thực hành những pháp tu sơ khởi.”



Drikung Kyobpa Rinpoche

Tâm bồ đề được định nghĩa vắn tắt là “chí hướng vị tha, muốn giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.” Tâm bồ đề rất thường hay bị nhầm lẫn với tâm từ bi. Dù rằng tâm từ bi là một trong những nhân tố quan trọng nhất để phát sinh tâm bồ đề, bản thân tâm từ bi vẫn không phải là tâm bồ đề. Sự phát khởi tâm bồ đề bắt đầu bằng việc trước tiên là phải lưu tâm đến sự phát sinh lòng từ ái đối với tất cả chúng sinh. Người ta cho rằng tâm từ ái là cái cảm nhận khi một ai đó nhìn thấy một em bé vừa chào đời. Khi chúng ta nhìn thấy một em bé, chúng ta thường tự động có ý tưởng âu yếm và thân thiện đối với em bé. Một cách tự nhiên chúng ta mong em bé được bình an, vui vẻ và được bảo vệ để không phải bị bất kỳ một tổn hại nào. Chẳng có điều gì thoải mái như là cảnh tượng một em bé đang ngủ say. Chính đó là hơi ấm và tình yêu thương vô điều kiện mà chúng ta đang cố gắng phát khởi đối với tất cả chúng sinh. Chúng ta cố gắng xem tất cả chúng sinh như chính là con cái của chúng ta, những con người mà chúng ta chỉ biết yêu thương chứ không hề đặt bất kỳ một điều kiện gì ở họ cả.  Chúng ta câu nguyện cho họ được phúc lợi, được an toàn và bảo bọc, và chúng ta sẵn lòng hy sinh đời mình để làm lợi lạc cho họ. Khi chúng ta có khả năng nghĩ về tất cả chúng sinh theo lối này, tự nhiên chúng ta sẽ có khả năng phát sinh tâm từ bi. Tâm từ bi là cảm tưởng muốn giải thoát tha nhân khỏi khổ đau và những nguyên nhân của khổ đau. Đó là cảm giác mà chúng ta cảm nhận được khi đối diện với một ai đó đang chịu đau khổ vì một căn bệnh khủng khiếp hoặc đang trải qua sự đau đớn khốc liệt về thể xác và tinh thần. Chúng ta muốn có khả năng giúp đỡ và làm dịu nỗi đau đó; sự đau khổ đó. Như thế, sau khi đã phát khởi và nuôi dưỡng cả tâm từ ái lẫn tâm từ bi rồi, thì khi đó chúng ta có thể đến được cái thời điểm mà chúng ta sẵn sàng thật sự phát khởi tâm bồ đề.

Như đã được định nghĩa ở trước, tâm bồ đề là “chí hướng vị tha, muốn giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi vòng sinh tử luân hồi.” Nhận chân được rằng chúng sinh hoàn toàn bị năng lực khổ đau của vòng sinh tử luân hồi khống chế, chúng ta quay về với cái nhận thức mãnh liệt rằng chỉ có đạt đến được trạng thái của quả vị Phật viên mãn thì khổ đau của vòng sinh tử luân hồi mới có thể bị chinh phục vĩnh viễn. Tuy là có nhiều cách để xoa dịu sự đau khổ của chúng sinh, nhưng tất cả chỉ nhứt thời và không chấm dứt được. Chỉ có cách là bứng sạch gốc rễ nguyên nhân của khổ đau rồi thì khi đó chúng ta mới hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau được. Và đây là trạng thái của sự giải thoát rốt ráo; của quả vị Phật viên mãn. Sự hiểu biết này – sự hiểu biết những sai lầm, nguyên nhân, sự chấm dứt và con đường dẫn đến sự chấm dứt vòng sinh tử luân hồi là trí tuệ. Do đó, tâm bồ đề là sự quyết chí một mặt phát khởi từ tâm từ ái và tâm từ bi và mặt kia là từ trí tuệ. Khi hai yếu tố này hội tụ nhau thì tâm bồ đề phát sinh.

Công đoạn thứ hai của Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh là sự thực hành Bổn Tôn. Sự thực hành Bổn Tôn là nói đến những thực hành phát khởi và hoàn thiện mật điển tối thượng du già, và trong trường hợp cá biệt này là những thực hành nằm trong hệ thống mật điển tối thượng du già của chu trình giảng dạy về Thắng Lạc Kim Cương. Dù vị bổn tôn chính của Marpa là Hevajra, vị thầy của ngài là Naropa vẫn tiên đoán rằng dòng truyền thừa của ngài (Marpa) cuối cùng cũng nương tựa vào Thắng Lạc Kim Cương làm vị bổn tôn chính của họ. Bởi thế, đó là pháp hành của Thắng Lạc Kim Cương mà Marpa đã trao truyền cho đệ tử của ngài là Milarepa.


Thắng Lạc Kim Cương

Có nhiều hình tướng khác nhau về Thắng Lạc Kim Cương xuất hiện với số mặt, tay và số tùy tùng vây quanh khác nhau. Trong dòng Drikung Kagyu, pháp thực hành chung và phổ biến nhất về Hộ Phật Thắng Lạc Kim Cương là trong hình tướng của vị Thắng Lạc Kim Cương Năm Hộ Phật. Vị Thắng Lạc Kim Cương Năm Hộ Phật bao gồm vị Hộ Phật Thắng Lạc Kim Cương ở giữa với một mặt, hai tay trong trạng thái hợp nhất với vị Hộ Phật Nữ Vajravarahi (hai vị Hộ Phật này trong trạng thái hợp nhất được xem như là một vị Hộ Phật đơn chiếc) và bốn vị dakini vây quanh ở bốn hướng.

Pháp thực hành Bổn Tôn là một pháp thực hành rất đặc biệt của Mật tông, trong đó người ta chuyển hóa kinh nghiệm thông thường, phàm tục về thực tại thành kinh nghiệm phi thường về trạng thái chân thật của vạn pháp (mọi hiện tượng). Trong lúc những giáo lý ở cấp độ kinh điển xem vô minh là cội rễ của sự hiện hữu trong vòng sinh tử luân hồi, những giáo lý của mật điển thì nhận ra những hiện tướng thường tục là cội rễ của sinh tử luân hồi. Sự thực hành Bổn Tôn là một phương pháp đặc biệt và thâm uyên để chuyển hóa nhanh chóng những hiện tướng thường tục thành những hình tướng đã giác ngộ. Nói chính xác hơn thì pháp thực hành này làm hiển lộ trạng thái chân thật của các hiện tướng và cho thấy chúng luôn luôn thuần tịnh và trống không. Pháp thực hành Bổn Tôn không biến những hiện tướng thường tục thành một cái gì đó không phải là chúng – thuần tịnh và vô tự tính. Nói đúng hơn thì pháp thực hành đó làm hiển lộ sự thuần tịnh và sự trống rỗng (tánh Không) lúc nào cũng có ở đó nhưng lại bị ngăn che và không nhìn thấy được. Do bởi tính chất mật điển của những giáo lý này, tôt nhất là người ta nên tiếp nhận những chi tiết cụ thể của những giáo lý này trực tiếp từ một vị thầy đích thực của dòng truyền thừa đó. Hy vọng là sự trình bày vắn tắt này về pháp thực hành Bổn Tôn, xem như là công đoạn thứ hai của Con Đường Đại Ấn Thâm Uyên Năm Nhánh, sẽ khích lệ người đọc truy tìm được những giáo lý thâm uyên này từ một vị thầy chính trực và khả tín của dòng truyền thừa lúc thời gian và điều kiện đều thích hợp. Kyobpa Rinpoche hát:

“Nếu thân thể mình, Vua của các vị Hộ Phật

không ổn định được trên Nền Tảng Bất Biến này,
Những đoàn đa-ki-ni tùy tùng sẽ chẳng tụ hội.
Do vậy, hãy làm cho chính thân thể bạn được tin chắc là vị bổn tôn.


Công đoạn thứ ba của Con Đường Năm Nhánh là pháp tu Đạo sư du già hoặc pháp tu về việc đạt được sự hợp nhất với tâm trí tuệ của vị Thầy (đạo sư). Có nhiều loại thầy – cha mẹ chúng ta là những người thầy đầu tiên của chúng ta, những thầy giáo vỡ lòng dạy chúng ta biết đọc và biết viết, những thầy giáo dạy về các môn văn chương và khoa học thế tục, những vị thầy tâm linh ban truyền cho chúng ta những giới nguyện quy y, những vị ban cho chúng ta những giới nguyện tại gia hoặc xuất gia, những vị thầy ban truyền Bồ-tát giới, những vị thầy Kim Cương Thừa ban truyền cho chúng ta những pháp quán đảnh mật tông và cuối cùng là những vị thầy giới thiệu cho chúng ta  (khai thị cho chúng ta) về bản tánh của tâm. Theo một nghĩa nào đó thì vị Thầy được nói đến ở đây trong pháp tu đạo sư du già là tất cả những vị đó; tất cả những vị thầy vừa nói đến. Tuy nhiên, đây là pháp tu không phải quá chú trọng vào một cá nhân cụ thể nào đó hay một người mà chúng gọi là “Sư phụ”, mà là nhắm vào trí tuệ cơ bản bên trong những vị thầy này, những người đã truyền dạy cho chúng ta. Với niềm tin có được và sự nương tựa vào trí tuệ căn bản này mà chúng ta đặt ở những vị đạo sư của chúng ta (và đặc biệt là ở những vị đạo sư đã khai thị cho chúng ta về bản tánh của tâm), chúng ta cố gắng để nhận ra được rằng cũng chính trí tuệ này vốn đã sẵn có trong chúng ta. Trong trường hợp đặc biệt, chúng ta cần nương tựa nơi một vị đạo sư chân chính và đã có chứng ngộ, người đã tự chứng ngộ được bản tánh của tâm mình và có thể giúp chúng ta chứng ngộ được bản tánh của tâm chúng ta nữa. Trong truyền thống này, pháp tu Đạo sư du già được ca ngợi là một phương pháp trực tiếp và thâm uyên nhất để nhanh chóng đạt được sự chứng ngộ bản tánh của tâm. Nhiều đạo sư dòng Kagyu đã dạy rằng con đường nhanh nhất và hiệu nghiệm nhất để chứng ngộ bản tánh của tâm là một cái tâm đầy sùng kính. Khi lòng sùng kính hiện hữu thì sự chứng ngộ bản tánh của tâm không xa. Kyobpa Rinpoche có hát rằng:

“Nếu Mặt Trời của Lòng Sùng Kính không chiếu sáng

Trên Đạo Sư, ngọn Núi Tuyết của Bốn Thân Phật,
Thì Dòng Suối Gia Trì sẽ không lưu chuyển.
Do vậy, hãy chú ý đến tâm sùng kính này.


Pháp Đạo sư du già được hành trì như là công đoạn thứ ba của Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh có đôi chút phức tạp và chi tiết hơn pháp tu Đạo sư du già tìm thấy trong bộ thực hành những pháp hành trì nội căn bản (ngondro). Đặc biệt là pháp Đạo sư du già Bốn Thân được hành trì ở đây. Bốn thân (kayas) này là nói đến Hóa Thân hoặc Ứng Hóa Thân (tiếng Sanskrit là nirmanakaya, Tạng ngữ là སྤྲུལ་སྐུ་ - trul-ku), Hỷ Lạc Thân hoặc Thọ Dụng Thân hoặc Báo thân (Sankrit: sambhogakaya, Tạng ngữ: ལོངས་སྐུ་ - long-ku), Pháp thân (Sanskrit. dharmakaya, Tib. ཆོས་སྐུ - cho-ku) và Tự Tánh Thân (Sanskrit. svabhavikakaya, Tib. ངོ་བོ་ཉིད་སྐུ  - ngowo nyi-ku) là tính bất khả phân của ba thân đầu tiên. Nội trong ngữ cảnh này, ba thân đầu tiên được xem là chân lý tương đối và thân thứ tư là chân lý tuyệt đối. Một hành giả trước tiên sẽ tu tập pháp tu Đạo sư du già Hóa thân, trong đó vị Đạo sư được quán tưởng trong sắc tướng của đức Phật Thích Ca Mâu Ni (bản thân hành giả thì trong sắc tướng thế tục). Rồi hành giả thiền về vị Đạo sư trên cấp độ Hỷ Lạc Thân như đức Đại Nhật Như Lai (và bản thân hành giả là vị bổn tôn) và ở cấp độ Tự Tánh Thân trong sắc tướng của đức Phật Kim Cương Trì. Cuối cùng, khi hành giả đạt đến được cấp độ Tự Tánh Thân của pháp tu đạo sư du già, vị Đạo sư được thiến quán đến sẽ ở trong trạng thái không có tướng trạng, màu sắc, tên họ hoặc hình dáng.

Đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche hiện tại viết rằng:

“Vẻ ngoài, ba thân của vị Đạo sư là chân lý tương đối

(Ở cấp độ của) chân lý tuyệt đối thì tính sáng chói tự sinh khởi của vị thầy
Là bản tánh của tâm của hành giả.
Vị Đạo sư, tâm của hành giả và đức Phật thì bất khả phân
Hiện ra như là một sự hóa hiện của Tự Tánh Thân.”


Khi tâm đã trở nên thuần thục qua pháp tu Đạo sư du già, thì rốt cuộc hành già đạt đến được tinh yếu của Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh – pháp tu thực tế của bản thân pháp Đại Ấn.

Trở lại với pháp Đái Ấn, đức Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche đương thời có viết:

“Hãy duy trì cái tâm thanh thản, không niệm khởi, không ảo tưởng.

Trong trạng thái tự nhiên, không dụng công này
Hãy tuyệt đối tránh khỏi cái niệm khởi về thiền định và thiền giả
Cái tâm bình phàm không thiền định, không bối rối, 
An trụ trong trạng thái không bám víu cũng chẳng tách rời
Vắng bặt mọi hy vọng và âu lo, tham giữ và buông xả
Phản đối và chấp nhận, thiền định và xả thiền.”


Chúng ta sẽ không bàn thảo gì thêm về đề tài này nữa vì pháp tu Đại Ấn tốt nhất là được học trực tiếp từ một vị thầy trong thực tế. Tuy nhiên, có một mối liên kết dẫn đến một giáo lý đơn giản nhưng lại vẫn rất thâm uyên về pháp tu Đại Ấn được một trong những đạo sư quan trọng nhất của dòng Drikung Kagyu ngẫu nhiên truyền dạy – đó là đại đạo sư His Eminence Garchen Rinpoche, bậc Tôn quý được yêu quý nhất ở miền Đông Tây Tạng.

Cuối cùng là công đoạn Hồi Hướng được xem như là công đoạn thứ năm của Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh. Hồi hướng là một trong những nét đặc trưng nhất trong sự tu tập Phật giáo – một pháp tu được thực hiện vào thời điểm kết thúc mọi pháp tu nếu là Thanh văn thừa hay Đại thừa (cả những cấp độ kinh điển lẫn mật điển). Với việc hồi hướng công đức tu tập của mình cho phúc lợi của sự giải thoát tất cả chúng sinh khỏi mọi khổ đau và nguyên nhân của đau khổ, hành giả chắc chắn được rằng sự tu tập của mình vẫn luôn được thuần tịnh và ngày càng nhiều phúc lợi. Như hầu hết các pháp tu, có những khía cạnh tương đối và tuyệt đối (và điều quan trọng là cần phải nhớ rằng không được ưu tiên khía cạnh này hơn khía cạnh khác mà tốt hơn là hãy thực hành hoàn hảo cả hai cấp độ như là chúng không thể tách rời nhau trong thực tế). Ở cấp độ tuyệt đối của Hồi hướng – sự Hồi hướng trong trường hợp tu tập pháp Đại Ấn – hành giả hồi hướng công đức với sự hiểu biết về tánh Không của tự ngã, của công đức được hồi hướng và chính bản thân sự hồi hướng; tánh Không của cả ba khía cạnh.


Con Đường Thâm Uyên Năm Nhánh là một con đường toàn vẹn đưa đến sự thành tựu giác ngộ toàn hảo nội trong một đời. Nhiều hành giả trong quá khứ đã từng tu tập theo Đạo lộ này và đã qua đến được bờ bên kia của sự bình lặng hoàn toàn. Hiện tại cũng có nhiều hành giả nghiêm túc trên Đạo lộ này đang tu tập dưới sự dẫn dắt tinh thông và đầy bi mẫn của những vị thầy truyền thừa thuộc dòng Drikung Kagyu. Cũng có nhiều hành giả nghiêm túc khác thuộc truyền thống Đại Ấn của Gampopa tu tập theo nhiều truyền thống Đại Ấn khác nhau được khai triển từ hệ thống Đại Ấn căn bản của Gampopa. Hơn nữa, bên cạnh những dòng truyền thừa Đại Ân thuần túy Kagyu còn có dòng truyền thừa tu tập Đại Ấn bên trong dòng Gelug. Cũng cần phải nói đến “sự hợp nhất” của các pháp tu Đại Ấn và Đại Viên Mãn được trích xuất từ những vị đạo sư truyền thừa dòng Kagyu và Nyingma.

“Nhằm mục đích cho tất cả chúng sinh đều đã từng là mẹ của con

Có thể được nhanh chóng giải thoát khỏi sinh tử luân hồi và
Có thể đạt được sự giác ngộ toàn hảo,
Con hồi hướng tất cả mọi công đức đã tích tập được bởi
Chính con cùng tất cả những sinh linh bình phàm cũng như đã giác ngộ trong ba thời
Cùng với công đức của Phật tánh vốn dĩ thuần tịnh từ bẩm sinh.”



HỒI HƯỚNG

Công đức đã được hồi hướng đến sự trường tồn hoàn hảo (không tỳ vết sai lầm) của dòng truyền thừa Kagyu vinh quang cùng những thành tựu của các bậc lãnh đạo và tín đồ của dòng truyền thừa trong việc hoàn thành hứa nguyện của chư vị là đưa tất cả chúng sinh đến trạng thái giác ngộ.


TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Nguyện tất cả những bà mẹ chúng sinh, bao la vô tận như không gian,
được hạnh phúc cùng những cội nguồn của hạnh phúc.
Nguyện cho họ được hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau 
cùng mọi căn nguyên của đau khổ.
Nguyện cho đời sống của họ không bao giờ bị tách lìa khỏi hạnh phúc, 
vắng bóng mọi sầu đau.
Nguyện cho họ an trú trong buông xả, không còn vướng tham bám và sân hận.




Mọi sai trật hay lỗi lầm nào (nếu có) trong việc chuyển dịch sang Việt ngữ đều là do lỗi của Tiểu Tăng Nguyệt Quang Bảo. Tất cả đều hoàn toàn không nằm trong chủ ý mà là do sự ngu dốt của bản thân. Con nguyện xin thành kính sám hối trước Sư Phụ, chư Đạo sư, chư Tổ sư của dòng Drikung Kagyu cùng chư Phật và chư Bồ tát.

Mọi công đức có được từ việc chuyển dịch này, dù nhỏ nhiệm đến đâu, con đều xin hồi hướng về quả vị Giác Ngộ Toàn Hảo và Tối Thượng của tất cả chúng sinh – đều đã từng là mẹ của Tiểu Tăng từ vô lượng kiếp trước.

OM Mani Padme Hum

Turners Station, KY
Ngày 30 tháng Giêng năm 2018



Dịch từ nguồn:  Drikung Kagyu Buddhist Monatery


Chú thích:

1. Nguyên văn từ trang mạng Dharma Media là “founded 852 years ago”. Nhưng không biết bài viết này đã được viết từ khi nào, nên người dịch, Tiểu Tăng Nguyệt Quang Bảo, sử dụng tư liệu về năm thành lập của dòng Drikung Kagyu từ trang mạng chính thức của dòng Drikung Kagyu.

2. Dukkha (Pāli; Sanskrit: dukha; Tibetan: སྡུག་བསྔལ་ sdug bsngal, pr. "duk-ngel") is an important Buddhist concept, commonly translated as "suffering", "pain" or "unsatisfactoriness".



===================================================

No comments:

Post a Comment