Saturday, April 7, 2018

Năm Viễn Ảnh Của Một Người Đàn Ông Đang Sắp Vào Cõi Chết





Ghi chú của người dịch (Tiểu Tăng Nguyệt Quang Bảo):

            Đây là một câu chuyện kể, có lẽ là có thật, xảy ra ở Bangladesh, một quốc gia theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, còn gọi là Thanh Văn Thừa, hay Nam Tông, hoặc Tiểu Thừa. Mọi tình tiết và giáo huấn trong câu chuyện này đều tương ứng với Giáo lý của truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy, theo đó quả vị đạt được cao nhất trong truyền thống này là A-la-hán, là sự giải thoát hoàn toàn được bản thân.


            Theo truyền thống Kim Cương Thừa thì tiến trình chết diễn ra theo như mô tả trong cuốn sách Tử Thư Tây Tạng – The Tibean Book of the Dead. Qua đó, những người tu tập theo Kim Cương Thừa là học và tu tập để có thể chủ động được cái chết và cả trong tiến trình cái chết xảy ra với chính bản thân mình.

=========================================

Lời nói đầu

Kiếp sống sau cái chết (bên kia cửa tử) và sự sống siêu phàm đến nay đã đặt ra những câu hỏi gây đau đầu nhất cho các nhà triết học, các nhà tâm lý học, và các nhà nghiên cứu về bản tánh của con người (nhân bản). Nhiều ý kiến khác nhau bàn thảo về vấn đề này đã được nêu ra, nhưng có một điều không thể tranh cãi là tất cả chúng ta đều phải chết. Và ở ngay thời khắc chuẩn bị bước vào cõi chết người ta thường nhận thấy người sắp chết có những hành xử trong một trạng thái mơ hồ về mặt tinh thần do sự mê hoặc của những tinh linh siêu phàm nào đó. Về mặt tâm lý thì những giai đoạn tâm thần này có thể được gọi là ảo ảnh, ảo giác, hoặc ảo tưởng. Nhưng, đối với một người quan sát nghiêm chỉnh thì đôi khi nó có thể xảy ra thường xuyên đến nỗi toàn thể những hiện tượng đó trở thành một thực tế thu hút sự chú ý và kỳ lạ hơn chuyện giả tưởng rất nhiều. Một sự trải nghiệm đầy xúc động như thế đã xảy đến với tôi nhiều năm trước đây, lúc đó tôi, một nhà sư, đứng cạnh giường một người đàn ông đang sắp chết. Sự trải nghiệm như thế đã tạo trong tâm tôi một ấn tượng quá mạnh đến nỗi sau đó tôi đã bắt đầu thực hiện một công trình nghiên cứu đầy gian khó về khái niệm loài trời (chư thiên) trong Tam Tạng Kinh Pa-li.


Trước những sự thỉnh cầu khẩn thiết từ nhiều phương khác nhau đưa đến, tôi không thể nào cưỡng lại được sự cuốn hút vào việc phải ghi lại sự trải nghiệm của tôi ngày xưa, từ đó giương lên một ngọn đuốc cho một số lớn những người tò mò mà tôi tin là chắc chắn sẽ cảm thấy bản tường thuật này đầy thú vị và sáng tỏ. Trong cuộc mạo hiểm ngắn ngủi này, tôi bày tỏ lòng cám ơn về sự khích lệ và hợp tác từ thiền sư Anagarika Munindra, Tiến sĩ Arabinda Barua, Thạc sĩ, Tiến sĩ (London), Luật sư, Giáo sư Sunil Barua, Cử nhân, Thạc sĩ, Cử nhân Luật, Cư nhân Giáo dục, và Smt. Krishna Barua, Cử nhân.

Thượng tọa Rastrapal Mahathera

Năm Viễn Ảnh Của Một Người Đàn Ông
Đang Sắp Vào Cõi Chết


Sự việc tình cờ sắp được diễn tả ra đây xảy ra vào năm 1957, sau khi tôi đã nhận lễ thọ phong lên cấp, làm một tu sĩ Phật giáo. Lòng tôi tràn đầy nhiệt huyết và một sự khao khát lớn lao được học tất cả những gì có thể được học về Đạo Phật. Trong suốt khóa học của tôi, câu chuyện về cư sĩ Dhammika, như được thuật lại trong Luận Giải Kinh Pháp Cú, đã thu hút sự chú ý của tôi.

Cư sĩ Dhammika là một đệ tử thuần thành của đức Phật. Ông ta cùng với những thành viên trong gia đình đã quen tuân thủ những giáo nghĩa của Phật pháp một cách rất là chi li. Một lần ông ngã bệnh và lúc cảm thấy mình sắp chết, ông ta gởi lời thỉnh cầu đến đức Phật để cho một số vị tăng đến tụng Kinh bên giường ông ta. Do đó chư tăng được phái đến và bắt đầu tụng Kinh Tứ Niệm Xứ.

Khi chư tăng tụng được nửa bài Kinh thì bất chợt ông ta hét lên: “Dừng lại! Dừng lại!” Nghe vậy, chư tăng lấy làm ngạc nhiên. Nghĩ rằng vị cư sĩ đã yêu cầu họ dừng tụng Kinh cho nên họ không tụng nữa và trở về với đức Phật.

Đức Phật hỏi chư tăng sao lại về sớm thế. Chư tăng thưa rằng vị cư sĩ đó đã yêu cầu họ thôi, không tụng Kinh nữa nên họ phải về sớm, trước khi tụng xong thời Kinh. Đức Phật bảo chư tăng rằng ắt hẳn họ đã hiểu lầm điều vị cư sĩ muốn nói. Đức Phật giải thích cái mục đích thực sự của vị cư sĩ thì trái ngược với những gì các vị tăng đã tưởng. Vị cư sĩ đó đã yêu cầu những vị trời đã đi xe ngựa đến để đưa ông ta về cõi trời hãy dừng những ý định đưa ông ta đi. Ông ta không yêu cầu chư tăng dừng tụng Kinh.

Tôi cũng đã từng đọc qua những câu chuyện trong Tam Tạng Kinh và những Luận Giải về sự xuất hiện của các vị trời hoặc những hồn ma quái ác vào giờ phút lâm chung của một người, tùy theo nghiệp hay hành động trong kiếp sống trần tục của người đó. Những câu chuyện này tạo ra sự rắc rối khó hiểu cho tôi bởi vì nó không có phù hợp với sự suy luận bằng lý trí của tôi. Tôi đến gặp vị Thượng tọa Jnanishwar Mahathera, một học giả uyên thâm về Phật giáo, là nhà sư thường trú của một tu viện rất nổi tiếng tại Unainpura ở Bangladesh. Tôi nêu thắc mắc của tôi với ngài. Ngài đọc một bài kệ như sau:

"Niraye aggikkhandho ca petalokañca andhakam,
tiracchanayoniñca mamsakkhandhañca manusam,
vimanam devalokamhi nimittam pañca dissare."

“Những ai sẽ đi vào địa ngục thì sẽ nhìn thấy ảnh tượng của một khối lửa; những ai sẽ đi vào thế giới của loài ma đói (ngạ quỷ) thì nhìn thấy đêm tối và những cảnh u ám vây khắp xung quanh; những ai sẽ sinh làm những thú vật thấp bé thì nhìn thấy ảnh tượng của núi rừng, thú vật và những sinh vật khác, những ai sẽ sinh làm người thì nhìn thấy ảnh tượng của những người thân đã chết; và những ai sẽ sinh vào cõi trời thì có ảnh tượng của những cung điện ở cõi trời. Đây là năm viễn ảnh thường xuất hiện trước một người đang bước vào cõi chết.”*
______________________
*  Ghi chú của biên tập viên: Bài kệ tiếng Pali và bản dịch Anh ngữ được cung cấp ở đây không có hoàn toàn ăn khớp với nhau, nhưng tôi không thể tìm được bản gốc của bài kệ để xem có mất một hàng nào hay không.


Thượng tọa Mahathera giảng giải cho tôi rất là dài về bài kệ này, nhưng chỉ thuyết phục được tôi chừng một nửa. Tôi cần một sự trải nghiệm cá nhân về nội dung của bài kệ để được tin tưởng hoàn toàn.

Chẳng bao lâu sau đó thì tôi có được sự trải nghiệm mà tôi mong đợi. Lúc đó tôi đang ở tại một ngôi chùa trong một ngôi làng tên là Tekota ở Chittagong (Bangladesh). Một hôm, sau khi đi học ở college về, cách ngôi chùa của tôi chừng năm dặm, tôi hết sức mệt mỏi và muốn lên giường nghỉ một chút. Nhưng rồi ngay lúc đó một người đàn ông từ một ngôi làng kế bên đến chùa và thỉnh cầu tôi theo ông ta đến bên giường của người anh/em rể của ông ta, ông Abinash Chandra Chowdhury, đang lâm bệnh trầm trọng và hầu như đang ở ngưỡng cửa của sự chết. Người đàn ông đang sắp chết đó, 56 tuổi, là một Phật tử thuần thành và rất nổi tiếng về lòng mộ đạo. Tôi ngồi dậy và khởi sự đi đến nhà ông ta.

Khi tôi vừa đến được nhà ông ta thì tôi thấy ở đó đã chật ních những người thân và bạn bè của ông. Họ nhường đường cho tôi và khi đến gần người đang sắp chết thì tôi thấy ông ta đang nằm trên một tấm nệm trải trên sàn nhà. Lúc đó khoảng chừng 8:30 tối. Người ta mang cho tôi một cái ghế để ngồi. Trước khi tôi bắt đầu tụng những bài Kinh đặc biệt dành cho hoàn cảnh đó, một sự yên lặng do mọi người nín thinh đột ngột lan tỏa khắp nơi đó. Những người chung quanh đều trong tình trạng hồi hộp chờ đợi. Trong nhiều dịp trước đó tôi đã nói với dân làng trong những lần tôi thuyết giảng rằng tôi rất muốn xác nhận những gì đã được thuật lại trong bài kệ về sự xuất hiện của năm viễn ảnh vào thời khắc từ trần của một người. Giờ đây thực sự chính là cái thời khắc như thế đã đến.

Tôi bắt đầu tụng và khi đã tụng xong được vài bài Kinh thì tôi nghe người đang sắp chết chốc chốc thốt lên một cách yếu ớt những từ “Phật – Pháp – Tăng, Vô thường – Khổ - Vô ngã” và “Từ - Bi – Hỷ - Xả” đầy thành kính. Kế đến tôi quan sát thấy rằng tình trạng của ông ta đang trở nên tồi tệ hơn rất nhanh. Nhằm để có được một cái nhìn gần sát với ông ta để kiểm nghiệm tính xác thực của bài kệ về năm viễn ảnh, tôi yêu cầu người ta trải một chỗ ngồi cho tôi trên sàn nhà, bên cạnh người đàn ông đang sắp chết. Yêu cầu này đã được đáp ứng.  

Người đàn ông đang sắp chết đang nằm nghiêng bên trái, mặt hướng về tôi. Tôi đặt bàn tay phải của tôi lên cánh tay phải ông ta và hỏi ông ta cảm thấy thế nào. Sự đáp lại là đã đến lúc để ông ta lìa khỏi cõi đời này và ông ta không hề hy vọng sẽ sống thêm được chút nào nữa cả. Tôi cố gắng an ủi ông ta bằng cách nói rằng ông ta lúc đó chỉ mới 56 tuổi và không thể có chuyện chết quá sớm trong đời như vậy. Đời ông đã sống vì đạo đức, một nguồn cảm hứng cho những người cùng làng với ông ta như thế đâu thể nào bị cắt ngắn quá sớm như thế được.

Rồi tôi hỏi ông ta có muốn thọ Năm Giới (Ngũ Giới) và nghe vài bài Kinh hay không. Ông ta trả lời muốn thọ, và sau khi truyền Năm Giới tôi tụng một vài bài Kinh, ông ta lắng nghe với lòng sùng kính vô cùng. Sau khi tạm ngừng tôi cảm thấy tò mò muốn biết ông ta đã có bất kỳ một viễn ảnh nào xuất hiện trước mắt hay chưa. Mắt ông ta cứ nhắm suốt thời gian tôi ngồi bên giường. Chốc chốc tôi lại tiếp tục lặp lại câu hỏi của tôi. Ông ta bảo tôi rằng ông không hề có một viễn ảnh nào cả.

Vào khoảng 11:30 tối khuya, ông ta lẩm bẩm điều gì đó. Tất cả chúng tôi bên cạnh giường ông ta có thể xác định rằng ông ta đang kể về viễn ảnh của Cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật đã đạt Giác Ngộ Trọn Vẹn (Viên Mãn). Cái viễn ảnh về Cây Bồ Đề có lẽ là một sự hồi tưởng về chuyến viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng của ông ta. Rồi tôi hỏi ông ta có viễn ảnh về bất kỳ một vật nào khác ở đó không. Ông ta la lên rằng cha mẹ quá cố của ông ta đang ở đó và họ đang dâng hoa đến Tòa Kim Cương dưới Cây Bồ Đề. Ông ta lặp lại điều này hai lần. Rồi tôi bảo ông ta hỏi cha mẹ ông ta xem họ có muốn thọ Năm Giới không. Ông ta nói họ muốn thọ và đang chắp tay đợi nhận giới.

Sau khi truyền Năm Giới, tôi lại hỏi ông ta xem cha mẹ ông ta có muốn nghe vài bài Kinh không. Khi họ đáp lại là muốn, tôi tụng bài Từ Bi Kinh. Tôi cảm thấy xúc động bởi sự diễn biến của những sự kiện đó, nó trùng hợp với những lời trong bài kệ về năm viễn ảnh. Những người khác hiện diện ở đó cũng có vẻ xúc động. Họ đang nhìn xem cảnh tượng với một tâm trạng đầy phấn khích vì đây là một điều bất ngờ đối với họ.

Rồi thì trên căn bản của bài kệ đã rõ ràng với tôi rằng cái viễn ảnh ông ta có về cha mẹ của ông ta có ngụ ý rằng ông ta sắp sinh vào thế giới của loài người, và rằng còn sinh vào một cõi giới cao hơn trong cõi người vì ông ta có viễn ảnh của Cây Bồ Đề cùng với cha mẹ của ông ta. Nhưng tôi cảm thấy rằng một người với lòng sùng kính và mộ đạo của ông ta đáng được tái sinh về một cõi cao hơn nữa và tôi tiếp tục hỏi ông ta xem ông ta đang có thêm viễn ảnh nào khác nữa không.

Một chặp sau tôi phát hiện một sự thay đổi đang đến với ông ta. Ông ta có vẻ như đã chuyển sang vấn đề vật chất và yêu cầu người thân trả hết nợ cho ông ta. Ngay lúc đó tôi hỏi ông ta có đang thấy bất kỳ một viễn ảnh nào khác trước mắt hay không. Ông ta kêu lên một cách yếu ớt rằng ông nhìn thấy tóc dài. Lúc đó là 1:40 sáng. Tôi hỏi: “Ông có nhìn thấy con mắt không?” Ông ta trả lời: “Tôi không thấy, vì mái tóc rậm phủ từ đầu đến chân.”

Tôi không thể xác định sự hiện hình ma quỷ này có nghĩa gì, nhưng tôi đoán rằng nếu cái chết xảy ra cho ông ta vào thời khắc đó thì ắt hẳn ông ta đã tái sinh vào một cõi thấp nào đó. Rồi về sau, một hôm khi tôi muốn nhờ Thượng tọa Jnanishwar Mahathera và một nhà sư uyên bác khác nữa, Thượng tọa Silakara Mahathera, làm sáng tỏ cái viễn ảnh này, cả hai vị đều cùng một ý kiến cho rằng ma quỷ hiện hình có nghĩa là người đàn ông đang hấp hối có thể đã vào thế giới của loài ma đói (ngạ quỷ) nếu ông ta chết vào thời điểm đó. Tại giai đoạn đó, nhằm để xua đuổi sự hiện hình của ma quỷ đó, tôi bắt đầu tụng Kinh. Điều này đã mang lại kết quả như mong muốn, vì khi tôi hỏi ông ta là con ma vẫn còn đó không thì người đàn ông đang sắp chết kêu lên rằng nó đã biến mất rồi.

Có vẻ như ông ta vẫn còn khư khư bám víu vào kiếp sống ở trần gian này của ông ta vì kế đến là ông ta đã yêu cầu người thân lấy chiếc nệm vừa mới làm để dưới giường ông ta ra, ông ta muốn giữ chiếc nệm đó cho người con trai duy nhất của ông, ông Sugata Bikash Chowdhury, lúc đó đang ở một nơi xa xăm, Durgapur bên Ấn độ. Ông ta không muốn người ta đốt chiếc nệm đó cùng với cái xác chết của ông như là một tập tục của những người Phật tử Bangladesh ở Chittagon. Sau đó ông ta lại rơi vào một tình trạng hết sức suy kiệt.

Rồi tôi hỏi lúc đó ông ta thấy những gì. Ông ta trả lời rằng đang thấy hai con chim bồ câu đen. Ngay tức thì tôi nhận ra rằng đó là viễn ảnh của thế giới loài vật, nơi mà ông ta sắp sửa bị tái sinh vào. Lúc đó là 2 giờ sáng. Tôi không muốn ông ta ra đi để bị tái sinh vào cõi thú vật và tôi lại bắt đầu tụng Kinh. Khi tôi tụng xong một vài thời Kinh thì tôi hỏi lại ông ta có thấy gì nữa không. Lần này ông ta cho biết là không có viễn ảnh gì trước mắt ông ta cả.

Tôi tụng Kinh trở lại và một chặp sau tôi hỏi lại ông ta có thấy gì trước mắt không. Tôi hỏi đi hỏi lại  nhiều lần và cuối cùng thì ông ta thốt lên rằng ông đã thấy một cỗ xe ngựa cõi trời đang tiến đến. Dù biết là không có thứ gì có thể cản trở được đường đi của cỗ xe ngựa cõi trời, nhưng vì vẫn tôn kính những vị trời đó nên tôi yêu cầu những người thân của người đang sắp chết tránh đường cho cỗ xe đi tới. Rồi tôi hỏi cỗ xe cách ông ta bao xa. Ông ta dùng bàn tay ra hiệu ám chỉ rằng nó đang ở bên giường.

Khi hỏi có thấy ai trong cỗ xe ngựa không, ông ta nói rằng có những vị thiên nam và thiên nữ trong cỗ xe. Rồi tôi bảo ông ta hỏi xem những vị trời đó có muốn thọ Năm Giới không. Tôi đã biết qua Kinh điển rằng những vị trời (chư thiên) vâng lời và kính trọng không những tu sĩ mà còn cả những cư sĩ đầy lòng sùng kính.

Qua việc ông ta chuyển lời đồng ý của chư thiên, tôi làm lễ truyền Năm Giới và sau đó tôi hỏi lại xem họ có thích nghe Kinh Từ Bi không. Với sự bằng lòng của họ, tôi tụng bài Kinh đó. Tôi lại hỏi xem họ có thích nghe Kinh Hạnh Phúc không và tôi tụng bài Kinh đó khi họ bày tỏ sự đồng tình.

Rồi tôi lại hỏi xem họ có thích nghe bài Kinh Linh Bảo không, lần này thì người đàn ông đang sắp chết vẫy bàn tay báo hiệu rằng chư thiên không có ý muốn nghe bài Kinh này. Ngay sau đó ông ta bảo tôi rằng chư thiên muốn tôi trở về chùa.

Rồi tôi nhận ra rằng chư thiên đang trở nên nôn nóng muốn đưa ông ta về cõi trời, nhưng tôi muốn điều đình và kéo dài đời sống của ông ta trên trần thế này. Tôi bảo người đàn ông đang sắp chết nói với chư thiên hãy đi về vì lúc đó chưa phải là lúc ông ta phải chết. Vì ông ta chỉ mới 56 tuổi, tôi chắc chắn việc chư thiên đã đến để đưa ông ta về cõi trời là một sự nhầm lẫn. Chính tôi và tất cả những người khác có mặt ở đó đều sẵn sàng chuyển phước báu của mình cho số chư thiên đó để đổi lấy việc chúng tôi xin họ tha mạng sống cho ông ta.

Tôi lại hỏi người đàn ông đang hấp hối xem có còn một viễn ảnh nào khác đang hiện diện nữa không. Ông ta đáp rằng cha mẹ ông ta vẫn còn đang quanh quẩn dưới Cây Bồ Đề. Điều này chẳng có gì khác ngoài một ý nghĩa duy nhất, nghĩa là sự cuốn hút từ thế giới loài người vẫn còn đang tác động rất mãnh liệt đến ông ta và ông ta sẽ được tái sinh làm một con người. Tôi lại gợi ý rằng tất cả chúng tôi cúng dường những phước báu đã tích tập được của mình cho cha mẹ đã quá vãng của ông ta, để mong là họ nên ra đi, giống hệt như chư thiên đã làm vậy.

Từ biểu hiện của người đàn ông đang hấp hối đưa ra thì có vẻ như rằng cha của ông ta bằng lòng với sự yêu cầu của tôi nhưng người mẹ thì không. Tôi biểu lộ sự phẫn nộ đối với sự không khoan nhượng này ở phía người mẹ, và thông qua người đàn ông đang sắp chết nói cho cha mẹ ông ta biết rằng khi chư thiên đã đồng ý làm theo yêu cầu của tôi mà họ từ chối thì đó là một điều hoàn toàn không hợp lẽ. Tôi nói rằng lối hành xử này có thể sẽ gây tai hại cho họ. Tôi đã phải lặp đi lặp lại sự quở trách này nhiều lần, và rốt cuộc sự quở trách đã mang lại kết quả mong muốn. Hai ông bà đó, tôi có thể hiểu được, là cuối cùng cũng đã ra đi.

Giờ đây tất cả những viễn ảnh xuất hiện trước mắt người đàn ông đang sắp chết đều đã biến mất hết, một sự thay đổi có thể trông thấy được đã xảy ra khắp trên người ông ta. Ông ta hít một hơi thở dài và thể hiện những dấu hiệu của sự sống trở lại. Khi một trong những người thân của ông ta đến gần với một ngọn đèn trong tay để nhìn ông ta cho kỹ, ông ta la lên: “Đừng có lo lắng nữa, tôi sẽ không chết đâu.” Khi chúng tôi nhìn thấy người đàn ông đang sắp chết được sống trở lại, một làn sóng vui mừng và nhẹ nhõm lan tỏa khắp cả chúng tôi.

Tất cả chúng tôi đều cảm thấy choáng ngợp bởi cảnh tượng không thể ngờ được này, cảnh tượng đã phô bày trong một cung cách biến hóa khôn lường. Lúc đó là 5 giờ sáng. Mọi người có mặt ở đó đều đã trải qua một đêm không ngủ, nhưng kỳ lạ là chẳng một ai cho thấy bất kỳ một dấu hiệu mệt mỏi nào, đây là sự kiện thật có sức thu hút và cảm động. Rồi tôi rời khỏi nơi đó, về đến chùa, tắm rửa, ăn sáng, và đi chợp mắt một chút.

Chừng 10 giờ sáng, tôi nghe có tiếng động bên ngoài phòng. Lúc đi ra thì tôi nhìn thấy cũng người đàn ông đã từng đến tìm tôi vào buổi tối hôm trước. Tôi hỏi ông ta sao lại trở lại đây. Ông ta bảo rằng ông ta đến tìm tôi lại là vì ông Chowdhury sau khi qua được chừng năm tiếng đồng hồ khỏe mạnh thì đã thể hiện những dấu hiệu kiệt lực hoàn toàn và cuộc đời ông ta có vẻ như đã đến hồi kết thúc.

Tôi cấp tốc theo người đàn ông đó quay trở lại nhà ông Chowdhury. Tôi thấy những đoàn dài dân làng đang đi cùng hướng với tôi, và khi tôi đến nhà thì ở đó đã chật ních những đám đông đã tụ họp vì nghe về những sự kiện không ngờ được của đêm hôm qua. Tất cả đều nhường đường để tôi đến được bên cạnh người đàn ông đang sắp chết.

Tôi ngồi bên cạnh giường của ông ta và hỏi xem ông ta đang cảm thấy thế nào. Ông ta đáp lại một cách yếu ớt rằng ông ta không thể sống thêm được nữa. Tôi đưa những lời khích lệ ông ta và hối thúc ông ta nhớ lại những thiện hạnh (hành động thiện) mà ông ta đã làm trong đời. Thỉnh thoảng tôi hỏi ông ta xem có thấy viễn ảnh nào trước mặt không, nhưng lần nào câu trả lời cũng đều là “Không.”

Rồi đến 11:20 trưa, và một trong số người thân của ông ta, ông Mahendra Chowdhury, là một ông cụ 86 tuổi, nhận biết rằng thời gian cho bữa ăn cuối cùng của tôi trong ngày sắp trôi qua nên mời tôi dùng bữa. Tôi bảo ông ta với chút giọng cứng rắn rằng tôi không thể nào rời khỏi người đàn ông đang hấp hối vào lúc đó, dù là đi ăn.

Sự việc này tạo ra một tình huống căng thẳng, vì tất cả đám đông đã tụ hội ở đó đều đang háo hức đợi xem diễn tiến của những sự kiện có thể xảy ra như thế nào. Tôi lại hỏi người đàn ông đang sắp chết xem ông ta có nhìn thấy một viễn ảnh nào không. Lần này thì ông ta nói: “Có, họ đã đến lại, chư thiên trong cỗ xe ngựa.”

Sự xuất hiện của chư thiên vào giai đoạn đó, khi tôi quả quyết ở lại bên giường người đàn ông đang sắp chết sau khi từ chối bữa ăn cuối cùng của tôi trong ngày, đã làm cho tôi phải suy nghĩ rất lâu. Về sau, khi tôi hỏi Thượng tọa Jnanishwar Mahathera và Thượng tọa Silalankar Mahathera để hiểu rõ sự việc này, cả hai vị đều bảo tôi rằng chư thiên đó ắt hẳn đã đợi cho tôi đi ăn trưa; rồi trong lúc tôi vắng mặt, họ sẽ đưa người đàn ông đang sắp chết đó về cõi trời. Nhưng khi họ biết được rằng tôi nhứt quyết ở lại bên giường người đàn ông đang sắp chết, họ rốt cuộc đã đến để đưa ông ta đi.

Rồi người đàn ông đang sắp chết nói với tôi rằng chư thiên đang khẩn cầu tôi trở về chùa và họ khăng khăng ở điều này. Tôi tự hỏi vì sao vậy, tôi nhận ra rằng sự do dự của chư thiên chưa đưa người đàn ông đang sắp chết đi trước sự hiện diện của tôi phải là do sự chịu ơn của họ đối với tôi qua việc truyền Năm Giới cho họ và tụng Kinh cho họ nghe. Sau này khi tôi kể lại sự kiện này, tôi được Thượng tọa Mahatheras xác định niềm tin này của tôi.

Vì tôi cảm thấy rằng cái chết của ông ta là không thể tránh khỏi, tôi bảo ông ta nói với chư thiên: “Chư vị có thể đưa ông ta đi trước mặt tôi. Tôi không có phản đối việc làm như vậy của chư vị. Tôi rất là vui vẻ cho phép ông ta rời khỏi chúng tôi.” Tôi làm như vậy vì ông ta sắp về cõi giới của chư thiên đó, cõi giới mà ông ta xứng đáng được hưởng nhờ công đức của những phước báu và đó cũng là điều tôi thành thật ước nguyện cho ông ta. Kế đến tôi yêu cầu người vợ và những người bà con gần của ông ta nói với ông ta một lời từ biệt vui vẻ, tất cả những người này đều làm theo.

Tình huống bây giờ đã đâu vào đó cho chuyến ra đi cuối cùng của ông ta về thế giới kế tiếp. Ông ta từ biệt lần cuối cùng với tất cả chúng tôi bằng những lời: “Bây giờ tôi đi đây.” Đó là những lời cuối cùng người đàn ông đang hấp hối thốt ra. Gương mặt ông ta rạng rỡ và tràn đầy sự phúc lạc chân thật.

Sau đó, đầu này thì tôi giữ cái đầu và hai vai của ông ta, và yêu cầu một người đàn ông khác nắm giữ hai cái chân. Chúng tôi kéo thẳng để ông ta nằm ngửa ra và tôi nhỏ vài giọt nước ngọt vào miệng ông ta. Rồi tôi đặt bàn tay tôi lên ngực ông ta. Tôi cảm thấy nó thật là ấm. Người đàn ông đang chết, theo tôi đoán, vẫn còn nhận thức được và có vẻ như đang tự nói với chính ông ta những câu Kinh cầu nguyện mà ông ta đã thường trì tụng suốt cả đời.

Rồi tiếp theo, ông ta ráng hết sức nhấc bàn tay phải lên và chuyển động theo cách có ý rằng ông ta đang tìm kiếm một cái gì đó. Tôi không thể xác định được ông ta muốn gì. Có người trong đám đông gợi ý rằng ông ta có thể đang cố gắng sờ bàn chân tôi, điều mà đêm hôm trước ông ta thỉnh thoảng cũng đã làm.

Rồi thì tôi đưa bàn chân phải của tôi đến gần hơn để ông ta có thể duỗi bàn tay ra sờ. Cái sờ đó có vẻ như mang lại cho ông ta một sự mãn nguyện tuyệt vời, điều này có thể được nhìn thấy qua biểu hiện trên gương mặt của ông ta. Kế đến ông ta dùng bàn tay đó chạm lên trán của ông ta và rồi đặt bàn tay đó thẳng ra bên hông.

Tôi cảm thấy hơi ấm trên ngực của ông ta giảm dần. Một hoặc hai phút sau, ông ta bất chợt co giật một cái và trút hơi thở cuối cùng. Sau đó ông ta trở nên bất động. Khi cái thân xác hoàn toàn lạnh, tôi rút bàn tay tôi khỏi ngực ông và nhìn quanh. Tôi thấy mọi người kẻ đứng người ngồi đều hoàn toàn tĩnh lặng.

Chẳng ai khóc, cũng chẳng có bất kỳ một âm thanh than khóc từ bất cứ một hướng nào. Đây là một sự từ biệt sau cùng thích hợp cho một người đang ra đi, hoàn toàn theo đúng những giáo huấn tôi đã đưa ra cho những môn đồ của tôi trong quá trình giảng dạy về những vấn đề tôn giáo. Rồi tôi rời ngôi nhà đó, bảo những người thân và bạn bè của người chết đó nếu muốn thì cứ khóc, vì vào thời điểm đó thì những sự than khóc như thế không còn có thể tạo ra bất kỳ một tác động nào đối với người chết.

Sự kiện này cuối cùng cũng đã kết thúc những mối nghi ngờ mà tôi có thể đã có trước kia về sự đáng tin của bài kệ kể về sự xuất hiện của năm viễn ảnh mà tôi đã được nghe Thượng tọa Jnanishwar Mahathera kể và cũng đã đọc được trong Kinh. Về sau, khi tôi hướng cái tâm phân tích của tôi về trường hợp của người đàn ông hấp hối đó, tôi nhận ra rằng ở mỗi giai đoạn thì những cái viễn ảnh (nimittas) hiện ra tương ứng với cái trạng thái của cái tâm (citta) ông ta.  

Quang cảnh của Cây Bồ Đề và cha mẹ đã qua đời của ông ta là những kết quả của cái viễn ảnh về nghiệp của ông ta, nghĩa là cái yếu tố vượt trội hơn thắng thế trong tâm thức của ông ta do bởi cái lực của những hành động ông ta đã làm trong kiếp sống hiện tại. Nhưng, chốc chốc, khi ông ta nhìn thấy viễn ảnh của một người đầy tóc hoặc những con chim bồ câu hoặc những con quỷ đáng sợ, thì đó là những dấu hiệu khi cái tâm của ông ta tạm thời bị khống chế bởi những bám víu thế tục hoặc sự nhớ lại những hành động xấu mà ông ta đã làm trong đời này.

Việc tụng niệm những bài Kinh đã xua đuổi những tư tưởng quái ác và kết quả là những ma quỷ xuất hiện biến mất. Sự làm tinh sạch (thanh tịnh) tâm xảy ra bằng cách nghe Kinh và thọ nhận Năm Giới khiến cho sự xuất hiện của chư thiên có thể xảy ra. Cho đến lúc ra đi, cái trạng thái này của tâm mạnh mẽ hơn bất kỳ thứ gì khác. Nó thậm chí còn mãnh liệt hơn cả cái viễn ảnh lẩn quẩn của cha mẹ ông ta – cái viễn ảnh mà đã biến mất để con đường được làm cho tuyệt đối rảnh rang cho người đàn ông đang sắp chết đi đến cõi trời sau khi ông ta rời khỏi thế giới này.

* * *

Cái kết luận mà người ta có thể rút ra từ sự kiện bất ngờ này là cái giây phút cuối cùng trong đời của một con người chứng minh người đó sẽ được tái sinh về một cõi giới cao hơn hay thấp hơn. Do đó, bổn phận của tất cả những người cầu nguyện cho một người đang hấp hối để làm cho tâm người đó được an bình bằng cách nhắc người đó về những thiện hạnh họ đã làm trong đời và bằng cách tụng Kinh và Phúng Tụng. Người ta không nên làm mờ tâm trí người chết do bởi khóc than hoặc thương tiếc hoặc lôi kéo tâm trí người đó vào những vấn đề của trần gian.

Tôi cũng hiểu rằng dù một người có mộ đạo hay sùng tín đến đâu chăng nữa thì cũng không có một lượng thiện hạnh nào của người đó có thể mang lại cho họ sự giải thoát tối hậu hoặc làm cho họ có khả năng thực chứng được Niết bàn, mục tiêu tối thượng của cuộc đời. Thiện hạnh chỉ có thể đưa đến sự tái sinh vào những cõi giới hạnh phúc ở thế giới kế tiếp, thế giới cao nhất là thế giới Phạm Thiên (cõi Trời Phạm Thiên). Chỉ có qua sự thực hành thiền quán (vipassana-bhavana) người ta mới có thể vượt qua được mười Sự Trói Buộc (Kiết Sử - dasa samyojana) và đạt được bốn giai đoạn giải thoát: Nhập Vào Dòng Chảy (Nhập Lưu - sotapatti - stream-entry), Trở Lại Một Lần (Nhất Lai -  sakadagami - once- returning), Không Còn Trở Lại (Bất Lai – anagami - non-returning), và Giải Thoát Hoàn Toàn (A-la-hán  - arahatta - full liberation).


Trong mười Sự Trói Buộc, ba Trói Buộc đầu tiên được gọi là: Tự Lừa Dối Mình (Thân Kiến - sakkaya-ditthi), Hoài Nghi (vicikiccha), và Bám Víu Vào Những Giới luật và Nghi Lễ (Giới Cấm Thủ - silabbata-paramasa), có thể được khắc phục bằng sự đạt được giai trình đầu của sự thánh hóa - Nhập Vào Dòng Chảy. Một người đã thành tựu được giai trình này thì sẽ không sinh vào những cõi giới thấp – cõi địa ngục (niraya), cõi ma đói (peta), và cõi thú vật (tiracchana) – và sẽ không bị tái sinh hơn bảy lần nữa; đối với những vị này, sẽ không có một viễn ảnh nào về ba cõi thấp xuất hiện vào thời điểm lâm chung. Họ có thể chỉ có những viễn ảnh về cõi người hoặc các cõi trời.

Một người đạt được những tiến bộ xa hơn nữa trong thiền định và đạt đến giai đoạn Trở Lại Một Lần bằng cách chế ngự được Sự Trói Buộc thứ tư và thứ năm, đó là sự ham muốn thú vui xác thịt (kamaraga – nhục dục) và lòng sân hận (patigha), thì sẽ còn tái sinh chỉ một lần nữa thôi. Đối với các vị này thì ba viễn ảnh dầu điên cũng sẽ không xuất hiện mà chỉ có một trong hai viễn ảnh về cảnh sống hạnh phúc sẽ xuất hiện trước khi chết mà thôi.

Một người đã đạt được giai đoạn Không Còn Trở Lại qua việc tiếp tục sự thiền định sâu xa hơn nữa, bằng cách hủy diệt hoàn toàn được hai sự trói buộc trước, đó là sự ham muốn thú vui xác thịt và lòng sân hận, thì sẽ không còn bị tái sinh lại trong thế giới này nữa mà sẽ được tái sinh về cõi trời Phạm Thiên, từ cõi này người đó sẽ đạt được sự giải thoát sau cùng. Một người như thế sẽ có duy nhất một viễn ảnh, đó là viễn ảnh về loài trời (chư thiên).

Sau khi thành tựu giai đoạn này rồi, qua việc tiếp tục theo đuổi thiền định sâu xa hơn nữa, người ta có thể thành tựu giai đoạn A-la-hán bằng cách triệt tiêu được năm Sự Trói Buộc còn lại, đó là sự tham muốn đời sống vật chất xinh đẹp (sắc dục – rupa-raga), sự tham muốn đời sống phi vật chất (vô sắc – arupa-raga), tánh kiêu ngạo (mana), sự xao động (uddhacca – còn gọi là trạo cử), và sự ngu si (avijja – vô minh). Một người như thế sẽ không bị sinh trở lại nữa vì đã đạt được sự giải thoát cuối cùng, và vì thế mà không có một viễn ảnh nào về bất kỳ một loại cảnh tượng nào có thể xuất hiện trước mặt vào thời khắc lâm chung.

Niết bàn là mục tiêu cuối cùng của kiếp sống được đức Phật khám phá ra. Sự khám phá này do đức Phật đạt được qua kinh nghiệm bản thân từ sự thực hành thiền định. Những môn đồ thực sự của Ngài là những ai bước đi trên con đường Ngài đã chỉ ra, và chỉ có qua việc công phu hành thiền thì cái đích cuối cùng của Niết bàn mới có thể đạt được ở thế giới này đây. Những viễn ảnh chỉ có thể đóng vai trò những cột đèn trong cái mê cung của kiếp người, đôi khi tối, đôi khi sáng. Nhưng cái đích cuối cùng của kiếp sống – ánh sáng chân thật – thì nằm tận cùng ở sự thành tựu Niết bàn, cái đích mà người ta có thể từng bước đạt được qua sự công phu thiền quán.

Tác giả là Thượng tọa Rastrapal Mahathera, trụ trì và thiền sư tại Trung Tâm Thiền Quốc Tế ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn độ).

Dịch từ nguồn: Dhammasukha

No comments:

Post a Comment