Monday, July 27, 2015

Một Diễn Giải Về Quán Đảnh Thời Luân - Kalachakra Initiation

Dịch từ nguồn: The Kalachakra Initiation Explained
Việt dịch: Nguyệt Quang Bảo 27/07/2015



Đức Đạt Lai Lạt Ma ban truyền một bài pháp ngắn 
đến các đệ tử chính của Ngài vào ngày đầu tiên 
của lễ hội Thời Luân ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ 
hôm ngày 3 tháng 7 năm 2014. Photo/Manuel Bauer
Nguồn ảnh:  Dalailama.com


Một Diễn Giải Về Quán Đảnh Thời Luân




Lễ hội Quán Đảnh Thời Luân thường là được tiến hành qua 12 ngày. Trước tiên là có tám ngày dành cho những nghi lễ chuẩn bị, trong thời gian này các tăng sĩ kiến tạo mạn đà la. Rồi các môn sinh được ban truyền pháp quán đảnh, và sau đó họ được cho phép nhìn thấy mạn đà la bằng cát đã hoàn thành. Lễ hội kết thúc khi các tăng sĩ phóng thích năng lượng tích cực của mạn đà la vào thế giới thường nhật qua một nghi lễ cuối cùng.



‘Quán đảnh’ trong chữ viết Tây Tạng là wong-khor, nghĩa đen là ‘cho phép’, hoặc ban cho cái quyền được thực hành Mật Tông (Tantra). Người ban truyền pháp quán đảnh đó là người được coi là vị thủ lễ hoặc Đạo Sư Kim Cương, bởi vì kim cương là khí cụ tâm linh cắt xuyên qua ảo tưởng và tượng trưng cho cái tâm bất khả hủy diệt. Vì tự thân mật tông sống động qua sự trao truyền trực tiếp bởi các Đạo Sư Kim Cương, cho nên lễ quán đảnh làm thỏa mãn thệ nguyện của vị Đạo Sư Kim Cương là luôn luôn vì lợi ích của tất cả chúng sinh mà truyền thừa mật điển không để xảy ra bất kỳ một sự suy giảm nào.

Trong lễ quán đảnh đó, môn sinh cũng lập một thệ nguyện tương tự là sẽ kính trọng và bảo trì những giáo pháp đó. Qua nghi thức như vậy, môn sinh nhập môn dòng truyền thừa đó. Môn sinh được phép chọn lựa để nhận lãnh những mức độ dấn thân khác nhau. Người nào duy trì sự dấn thân qua sự tận tâm thực hành hàng ngày thì người đó sẽ đạt được những thành quả lớn lao hơn, và dòng truyền thừa đó sẽ được bền vững hơn. Hoặc là có người được ban pháp quán đảnh chỉ để làm một sự gia trì. 

Môn sinh này, bằng cách tự làm cho mình trở thành như là một vị hộ thần, được giới thiệu cho những thể dạng tâm thần mới mà có thể giúp cho mình từ bỏ được cái trạng huống cũ tạo ra sự hủy diệt. Và như vậy, sẽ đưa môn sinh đó đến gần hơn với kinh nghiệm của cái tâm thức phúc lạc chân thật của Pháp Thời Luân.

Nhiều vật thể trông đẹp mắt được sử dụng trong những nghi lễ Thời Luân. Thekpu là ngôi nhà đặc biệt, nơi dùng để kiến tạo mạn đà la. Có một chiếc ngai phủ gấm lụa có thêu vàng bạc và đó là nơi mà vị Đạo Sư Kim Cương, trong trường hợp này là Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngồi để ban truyền quán đảnh, và chiếc bàn thờ dành cho  vị thần Thời Luân gồm có những phẩm vật cúng dường và những pháp cụ được chuẩn bị rất là công phu. Những tấm thảm thêu hình Đức Phật, Thời Luân, và nhiều vị thần bảo hộ khác nhau được treo quanh nhà “thekpu”, quanh chiếc ngai và bàn thờ.

Vào ngày đầu tiên của lễ hội, một đại biểu của những môn sinh thỉnh cầu Đạo Sư Kim Cương ban truyền pháp quán đảnh, và ngài đồng ý, thể hiện lòng từ bi vĩ đại của ngài cho tất cả môn sinh. Kế đến, vị Đạo Sư Kim Cương xin phép các vong linh sở tại để được sử dụng nhà của họ. Thường thì những vong linh không muốn ủng hộ ngay từ đầu, cho nên để lấy lòng họ, các vị tăng hầu cận biểu diễn Vũ Điệu Trần Gian (Dance of the Earth), tạo nên những điệu bộ mang tính biểu tượng bằng tay và chân. Những lời cầu nguyện, âm nhạc và điệu múa làm lắng dịu được tất cả những vong linh đang muốn quấy rối.

Một vị tăng đang sử dụng chập chả trong lễ cầu nguyện
để chuẩn bị và dâng lễ cúng đất vào ngày đầu tiên của
Pháp Hội Quán Đảnh Thời Luân của Đức Đạt Lai Lạt Ma
ở Leh, Ladakh, Ấn độ hôm 03/07/2014
Photo/Manuel Bauer
Nguồn ảnh: datlailama.com


Khi buổi trình diễn múa kết thúc, Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp nhận sự cho phép tiến hành lễ hội từ Tenma, linh hồn của trái đất, nhân danh tất cả vong linh sở tại. Trong suốt lễ hội, mạn đà la sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều ngàn bổn tôn hộ thần được tìm thấy trong Phật Giáo Tây Tạng. Những chiếc dao găm mang tính biểu tượng được đặt quanh hiện trường mạn đà la được bày trí để bảo vệ. Tất cả những khí cụ sẽ được sử dụng trong nhiều nghi lễ cho pháp hội đó đều phải được Đức Đạt Lai Lạt Ma ban phước, kể cả sợi dây được dùng để vẽ mạn đà la và cát màu.

Để bắt đầu vẽ, sợi chỉ chuyên dùng cho nghi lễ được nhúng vào một dung dịch của phấn trắng. Giữ căng một đầu sợi chỉ, đầu kia được một người hầu cận nắm giữ, vị Đạo Sư Kim Cương khảy sợi chỉ và phấn rơi trên cái nền tạo thành những đường nét đầu tiên để làm mạn đà la. Mỗi lần vị Đạo Sư Kim Cương khảy sợi chỉ, cái âm thanh ngắn vội đó vang lên một sự ban phước của Đức Phật cho việc tạo nên một mạn đà la. Phải mất đến hai ngày mới vẽ hết tất cả những đường nét phải vẽ, bản phát họa của mạn đà la trong giai đoạn này trông như là một bản phác thảo khổng lồ, có đường kính đến bảy bộ Anh/Mỹ (hơn 2 mét).



Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sửa soạn phần nền 
để chư tăng của tu viện Namgyal kiến tạo
Mạn Đà La Thời Luân Bằng Cát trên đó
vào ngày đầu tiên của Lễ Hội Quán Đảnh Thời Luân
ở Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ hôm 03/07/2014
Photo/Manuel Bauer
Nguồn ảnh: dalailama.com



Vào ngày thứ ba, một loại gia vị đặc biệt và nghệ tây được trộn với nước và rắc lên những đường vẽ của mạn đà la; nhân đó, vị Đạo Sư Kim Cương xóa bớt một số đường vạch trên bản phác thảo của mạn đà la, mở một lối vào cho 722 vị thần mà sẽ ở lại trong mạn đà la này trong suốt thời gian lễ hội. Để đi vào thế giới của chúng ta, những vị thần này cần một nơi thanh tịnh để trú ngụ. Những hạt lúa mì cũng được đặt trên mạn đà la lúc này, tiêu biểu cho những chiếc bồ đoàn mà chư thiên và thiên nữ được mời đến ngồi.

Ba đường  song song được vạch ra, rồi Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt những hạt cát  đỏ, trắng, và đen đầu tiên gần trung tâm của mạn đà la. Ba đường này tiêu biểu cho thân, khẩu và ý của Đức Phật. Rồi các vị tăng tiếp tục dùng cát để làm. Chỉ riêng việc ghi nhớ được hàng trăm biểu tượng trong thiết kế mạn đà la và học cách vẽ bằng cát cũng phải mất ít nhất là hai năm miệt mài cật lực. Bắt đầu từ ở giữa và đi lần ra ngoài, các vị tăng dùng một cái phễu có nhiều khấn như răng cưa ở trên, được gọi là chakpu, để tạo nên những đồ hình chi tiết. Khi hai cái chakpu  cọ vào nhau, cát màu chảy  đều đặn như ý muốn thành một giòng chảy mỏng xuống mạn đà la. Một cái nạo bằng gỗ, gọi là shinga, được dùng để điều chỉnh những đường thẳng cho ngay ngắn và sửa chữa những lỗi sai.

Cuối cùng, khi mạn đà la đã hoàn thành, những chiếc lọ thiêng liêng được bày trí xung quanh. Mọi phía của thekpu (phòng để làm mạn đà la) đều được những bức màn che kín để cho mạn đà la sẽ không bị nhìn thấy trước thời điểm thích hợp. Đức Đạt Lại Lạt Ma cúng dường để bày tỏ lòng cám ơn đến các vong linh và chư thần về sự hợp tác của họ. Các vị tăng biểu diễn những điệu nhạc thiêng liêng bằng chuông, phèng la, trống và những chiếc kèn khổng lồ dài đến mười hai bộ Anh/Mỹ (dài hơn 3 mét). Họ cũng thực hiện một buổi múa chúc mừng kéo dài hơn một tiếng rưởi đồng hồ.

Ngày thứ chín, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và chư tăng kết thúc thời cầu nguyện và hành thiền buổi sáng, các môn sinh lần đầu tiên được đến để tham dự. Những ai có ước muốn được ban pháp quán đảnh để thực hành Mật Pháp Thời Luân đều phải thệ nguyện bày tỏ tâm từ bi đến tất cả mọi vật có sự sống, làm việc vì lợi ích của tha nhân, và không bao giờ tiết lộ bí mật của mạn đà la.

Mỗi môn sinh được ban tặng một cọng cỏ kusha, vì Đức Phật ngồi trên cỏ kusha dưới cội Bồ đề lúc Ngài đạt giác ngộ. Các môn sinh được bảo là đặt những cọng cỏ kusha dài dưới những tấm thảm và cọng ngắn dưới gối của họ. Điều này giúp cho các môn sinh ghi nhớ và tìm hiểu những giấc mộng của họ trong đêm đó.

Ngày kế tiếp, sau một số nghi lễ sơ khởi thì lễ quán đảnh chính thức được bắt đầu. Khi các môn sinh đã bày tỏ những thệ nguyện về việc thực hành thiện hạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma thỉnh cầu Thời Luân khai nhãn cho họ. Mỗi môn sinh đều đã nhận một dải băng bịt mắt màu đỏ quấn quanh trán của mình làm biểu tượng, vì những môn sinh đó đều chưa có sẵn sàng về mặt tâm linh để nhìn thấy mạn đà la bằng cát, và bây giờ họ lấy những dải băng bịt mắt ra, tượng trưng cho việc tháo bỏ bóng tối của vô minh. Giờ phút này họ đã sẵn sàng để ‘diện kiến’ mạn đà la.

Kế đến, vị Đạo Sư Kim Cương ban cho những môn sinh những điều mà được gọi là Bảy Pháp Quán Đảnh  Ấu Thơ. Những pháp quán đảnh này sẽ giúp các môn sinh được tái sinh trong suốt thời gian của lễ hội như là những con người lý tưởng bước vào thế giới toàn hảo của mạn đà la đó. Mỗi một pháp quán đảnh tương ứng với một sự kiện trọng đại trong đời sống của một đứa trẻ. Bảy pháp quán đảnh tượng trưng cho việc đứa trẻ được nhận một cái tên, lần đầu tiên được tắm, lần đầu tiên được cắt tóc, lần đầu tiên trải nghiệm năm giác quan, được xỏ lỗ tai, nói tiếng nói đầu tiên, và học đọc chữ.

Sau khi các môn sinh đã được ‘tái sinh’ qua việc hoàn thành những pháp quán đảnh ấu thơ, họ được phép bước vào thế giới lý tưởng của Bánh Xe Thời Gian (Thời Luân) – thế giới của giác ngộ, do vị thần Thời Luân trị vì. Những môn sinh lúc này có thể quan sát mạn đà la. Mạn đà la Thời Luân bằng cát đó biểu lộ 722 vị trời và thiên nữ cũng như cung điện mà họ trú ngụ trong đó. Hình ảnh bốn mặt của vị thần tên là Thời Luân cũng được tạo ra. Người ta dùng bốn khu vực có hình dáng cái nêm, có màu sắc, nằm trong phạm vi của vòng tròn, để tượng trưng cho bốn mặt của Ngài trong mạn đà la đó. Một cái nêm xanh đen, hoặc cái mặt, ở phần dưới cùng của bức hình nhìn về hướng đông. Mặt màu đỏ nhìn về hướng nam. Mặt trắng nhìn về hướng bắc. Mặt màu da cam trên đỉnh nhìn về hướng tây.



 

Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng chư tăng tụng kinh cầu nguyện để chuẩn bị và cúng đất cho lễ Quán Đảnh Thời Luân tại Leh, Ladakh, J&K, Ấn độ hôm 03/07/2014
Ảnh: Photo/Manuel Bauer
Nguồn ảnh: dalailama.com


Nếu bạn hình dung ra mạn đà la đó trông giống như những gì theo như quan niệm về vị  thần này, thì bên trong  mạn đà la đó và tại trung tâm, mặt màu đen của vị thần này nhìn thẳng tới trước, mặt màu đỏ nhìn sang bên phải của Ngài, mặt trắng nhìn sang trái, và mặt vàng nhìn về phía sau lưng. Trong mạn đà la đó còn có thêm biểu tượng của 721 vị thần nữa, cũng như thú vật, bông hoa và châu báu. Cung điện Thời Luân, nơi những vị trời và thiên nữ sinh sống, là cái hình vuông lớn nhất nằm trong phạm vi của vòng tròn. Tòa nhà này có năm tầng, mỗi tầng gồm một hình vuông với bốn bức tường. Giữa mỗi bức tường là một lối vào. Để đến được những biệt điện trung tâm thâm kín nhất của tòa lâu đài, những hành giả đã được ban quán đảnh phải du hành qua con đường rắc rối được tạo nên bởi những hình vuông đó. Mỗi hình vuông tượng trưng cho một phương diện khác nhau của một bậc đã giác ngộ.

Mạn đà la đó nhìn thấy bằng phẳng, nhưng bạn có thể dùng trí tưởng tượng của mình để làm cho nó thành một bức hình nhô lên theo không gian ba chiều về phía trung tâm hình hoa sen của nó. Để truy lần theo con đường đến giác ngộ, bạn bước vào lối đi màu đen ở phía đông từ bên trong tòa nhà. Bạn sẽ tự nhận ra là mình đang hiện diện trên tầng đầu tiên của cung điện. Tầng này được gọi là mạn đà la của thân giác ngộ. Nửa đường bên trong mạn đà la thân là một tổ hợp gồm bốn bức tường và một lối vào. Khi bạn tiếp tục ngang qua lối vào, bạn đã đạt đến mạn đà la của khẩu đã giác ngộ. Nửa đường bên trong đó nữa, có một tổ hợp gồm những bức tường và những lối vào mà ở đó bạn sẽ khám phá ra được một tầng bậc thậm chí còn cao hơn nữa, được gọi là mạn đà la của tâm đã giác ngộ. Nửa đường bên trong mạn đà la tâm đó là một mặt phẳng hình vuông tượng trưng cho mạn đà la của trí tuệ đã giác ngộ.

Một khi đã ở bên trong mạn đà la của trí tuệ rồi, bạn sẽ tìm thấy một mặt phẳng hình vuông khác nữa. Đây là tầng cao nhất của cung điện, mạn đà la của đại phúc lạc giác ngộ. Bên trong đó là một đóa sen tám cánh, ở giữa đóa sen đó là vị thần Thời Luân đứng ôm vị phối ngẫu nữ của mình, Vishvamata, Mẹ Tất Cả. Chung quy lại, những điều này biểu trưng cho sự giác ngộ viên mãn, sự kết hợp của trí tuệ và lòng từ bi.

Trên khắp mạn đà la đó còn có nhiều biểu tượng khác có thể nhận diện được. Mười hai con vật, được đặt ở tầng thấp nhất của cung điện, được kết hợp với mười hai tháng trong năm. Mỗi con vật nâng một đóa sen, nơi được tượng trưng cho ba mươi vị thần, tiêu biểu cho ba mươi ngày trong tháng đó. Và chung quanh khắp cả cung điện là những dải băng hình tròn được bày biện để tượng trưng cho những nguyên tố cổ điển: màu vàng tượng trưng cho nguyên tố đất, một dải băng trắng được uốn gợn sóng tượng trưng cho nước, màu đỏ da cam tượng trưng cho lửa, màu xám cho gió, và sau hết là dải băng ngoài cùng tượng trưng cho không gian và tâm thức. Với sự hướng dẫn tâm thức và nội nhãn từ vị Đạo Sư Kim Cương, các môn sinh bắt đầu được phép bước vào cung điện toàn hảo. Nhưng muốn đạt được giác ngộ thì các môn sinh đó trước tiên phải chịu nhọc công để kiện toàn những kỹ thuật thiền định và lòng từ bi của họ hướng về khắp tất cả chúng sinh. 

Trong phần cuối của lễ hội đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma cầu nguyện, cám ơn 722 vị thần đã đến tham dự và thỉnh cầu chư vị đó rời khỏi mạn đà la trở về những ngôi nhà thiêng liêng của họ. Ngài lấy đi số cát làm biểu tượng tượng trưng cho những vị thần đó, rồi Ngài dùng một pháp cụ cắt xuyên qua mạn đà la dọc theo những đường nét mà nguyên là hình dạng của một bánh xe. Cát đó được cào về phía tâm của mặt bằng (dùng để làm mạn dà la), và rồi những vị tăng đó cho vào những cái bình và đưa đến một sông ngòi hoặc ao, hồ, biển cả nào gần đó. Cùng với việc tụng kinh và cầu nguyện, một vị hầu cận nghi lễ cho hết cát xuống nước, và sự bình an hoàn hảo của Thời Luân chảy theo nó vào thế giới thường nhật. Mạn đà la đó, bây giờ đã khuất mắt, vĩnh viễn lưu lại trong ký ức của tất cả những ai đã bước vào cảnh giới toàn hảo của nó.

Mặc dù triết lý Thời Luân nằm ở trình độ cao nhất của Phật Giáo, thế nhưng bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nó ở bất cứ thời điểm nào. Triết lý này thúc giục chúng ta, qua việc dùng Thời Luân làm khuôn mẫu, mau đạt đến một thế giới nội tâm rạng ngời, thuần khiết ngay trong lúc chúng ta vẫn đang sống trong thế giới trần tục và bất toàn của mình. Chẳng hạn như, có được một thân thể thanh tịnh là nhờ ăn uống những thực phẩm an toàn và không hút thuốc, không uống rượu hoặc dùng những chất ma túy. Lời nói thanh tịnh có nghĩa là không tán gẫu hoặc nói những điều không tốt về người khác. Một tâm thanh tịnh là tâm đã được điều phục, xa rời những tư tưởng nóng giận, thù hận và ích kỷ. Một khi mỗi chúng ta thanh tịnh được thân, khẩu và ý của mình rồi, chúng ta có thể tìm thấy được sự an bình ở nội tâm. Khi chúng ta có được sự an bình ở nội tâm rồi thì điều tối thiểu là sự kinh nghiệm trạng thái phúc lạc hoặc hạnh phúc toàn hảo là điều có thể xảy ra.


No comments:

Post a Comment