Saturday, July 25, 2015

Mật Pháp Thời Luân - Kalachakra

Những Quán Đảnh Thời Luân
Do Đức Đạt Lai Lạt Ma Ban Truyền

Dịch từ nguồn: Kalachakra Initiations by His Holiness the Dalai Lama
Người dịch: Nguyệt Quang Bảo
(25/07/2015)



Giới Thiệu Mật Pháp Thời Luân

Trình Bày Khái Quát Về Giáo Pháp

Giáo Pháp của Đức Phật có thể được chia thành hai thừa, Tiểu Thừa và Đại Thừa. Riêng Tiểu Thừa có thể được chia thành Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa. Người ta có thể phân biệt được các vị Thanh Văn và Duyên Giác qua những nhược điểm và ưu điểm trong khả năng và những kết quả mà họ đã đạt được, nhưng về những nét đặc trưng trong giáo lý mà họ tu tập thì căn bản là giống nhau. Những người có khuynh hướng tu tập theo hai đường tu Tiểu Thừa này tiếp nhận những pháp tu đó vì lợi ích của sự tự giải thoát cho chính bản thân họ, vì họ cảm thấy cấp bách phải tự giải thoát mình trước hết, càng nhanh càng tốt ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của sinh tử luân hồi. Vì cái nguyên nhân chính của sự trói buộc trong cõi luân hồi là sự bám chặt lấy một cái tự ngã, cái nhân chính để đạt được sự tự do của giải thoát là trí tuệ chứng ngộ được cái nghĩa lý của vô ngã. Vì vậy, cũng giống như chư Bồ-tát, các vị Thanh Văn và Duyên Giác chứng thực được vô ngã. Họ thiền tập về vô ngã kết hợp với những pháp tu về thực hành thiện hạnh, thiền chỉ và v.v... và từ đó họ cắt đứt được gốc rể của tất cả những đam mê, tham lam, thù hận, vô minh v.v… 
 
  Dù rằng hàng Tiểu Thừa không mang theo trên đường tu của họ cái ý định đạt đến Phật Quả, nhưng pháp  tu của họ thực tế là một phương tiện mà cuối cùng cũng sẽ đưa những người như thế đến giai đoạn thành tựu quả vị Phật. Do vậy, đừng có nhầm mà coi những pháp tu Tiểu Thừa chỉ đơn thuần là một chướng ngại cho việc đạt đến giác ngộ, bởi vì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và những Kinh Luận khác có dạy rằng đó là những phương pháp để đạt đến Phật Quả.  Đức Phật xuất hiện ở thế gian nhằm mục đích để cho chúng sinh có thể đạt được sự ngộ đạo mà chính bản thân Ngài đã đạt được. Do vậy, những sự hiển bày về con đường tu tập đều không không gì khác ngoài mục đích dẫn dắt chúng sinh đến quả vị Phật. Đành rằng những pháp tu của Tiểu Thừa không trực tiếp dẫn đến Phật Quả, nhưng người ta học được rằng trong thực tế những hành giả Tiểu Thừa rốt cùng cũng thực sự bước vào Đại Thừa và đạt được quả vị Phật.
Cũng giống như những hành giả Đại Thừa, những hành giả Tiểu Thừa tuy rằng chứng thực được  các pháp đều không có tự tính,  nhưng điều này  không có nghĩa là hoàn toàn không có sự khác biệt nào cả giữa Tiểu Thừa và Đại thừa. Các giáo lý Đại Thừa không chỉ đơn thuần là làm tỏ rạng sự vô ngã của vạn pháp, mà dạy cả những giai trình Bồ-tát đạo, những pháp tu Ba la mật, sự cầu nguyện để đạt được giác ngộ viên mãn vì lợi ích của tất cả chúng sinh, lòng đại từ bi, v.v…   Giáo pháp Đại Thừa còn dạy cho hành giả sự hồi hướng công đức đến sự giác ngộ, hai sự tích tập công dức và trí huệ, và một thực tế không thể nghĩ bàn là sự thanh tịnh được tất cả những nhiễm ô.

Như vậy, người ta phân biệt Đại Thừa và Tiểu Thừa không phải do những khác biệt trong những triết lý của hai thừa, mà qua tất cả mọi cấp độ của những phương tiện thiện xảo, hai Thừa này bị phân biệt dựa theo những gì họ thực hành và những gì họ không thực hành. Đây là sự quả quyết của Bồ-tát Long Thọ và đệ tử của Ngài là Thánh Thiên: Một người mẹ là chủng tử chung cho tất cả con cái của bà, và những người cha của những đứa con đó là những chủng tử tạo nên sự khác biệt chủng tộc của chúng nó.  Cũng như bà mẹ là chủng tử chung của những người con, trí bát nhã là chủng tử chung của cả bốn loại thánh giả: thanh văn, duyên giác, bồ tát, và phật. Cái nhân để phân biệt những thánh giả vào những dòng truyền thừa nào đó của Tiểu Thừa và Đại Thừa là vấn đề những thánh giả đó có những phương pháp để phát khởi tâm bồ đề và những thiện tâm khác như vậy hay không.  Giống như Tiểu Thừa, Đại Thừa phổ thông có thể được phân thành hai thừa: Ba la mật thừa (Hiển giáo) và Chân Ngôn thừa (Mật giáo). Cái đích chung của Đại Thừa là tự rèn luyện mình trong sáu ba la mật bằng cách thực hành sáu ba la mật đó vì sự khát khao đạt được  giác ngộ tột cùng vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Rõ ràng là qua cùng pháp tu đó người ta có thể tiếp tục tu theo Chân Ngôn Thừa, bởi vì phương pháp đó có dạy trong những mật điển (tantras). Tuy nhiên, những hành giả Đại Thừa nào tu theo Ba la mật thì chỉ đơn thuần tiếp nhận bấy nhiêu cái phần phổ thông của pháp tu đó, còn những người tu theo Chân Ngôn thì trau dồi sáu ba la mật đó bằng cách sử dụng những kỹ thuật mật tông đặc biệt mà không được dạy trong Ba La Mật Thừa.

Những Thuật ngữ “Nhân Thừa”, “Ba-la-mật Thừa”, và tương tự như vậy, là những từ đồng nghĩa, và “Chân Ngôn Thừa”,  “Kim Cang Thừa”, “Quả Thừa”, và “Pháp-môn Thừa” cũng là những từ đồng nghĩa. Có một sự khác biệt giữa Nhân Thừa và Quả Thừa: Nhân Thừa là Đại Thừa mà trong đó không có sự thiền quán về việc tự thân hành giả có một khía cạnh tương đồng với bất kỳ một kết quả nào trong những kết quả - bốn thuần tịnh – trong giai đoạn đang bước trên con đường tu tập. Đại Thừa mà trong đó có sự thiền quán về chính hành giả như  là đang có một khía cạnh tương đồng với bốn thuần tịnh trong thời gian đang bước trên con đường tu tập thì được gọi là “Quả Thừa” hoặc là “Chân Ngôn Thừa”.  Đây là những gì mà đạo sư Tsongkhapa đã nói trong Ngag Rim Chenmo: “Nói đến cỗ xe, vì nó là cỗ xe của những sự chuyển tải, chẳng hạn,  cái quả phải có từ đó hiện diện nơi đây cùng với cái nhân cho ra cái quả mong muốn này, đó gọi là ‘cỗ xe’.  Cái quả là bốn sự thuần tịnh về nơi ở, thân thể, tài sản và hoạt động trở thành một cung điện, thân thể, tài của và hành vi của một vị Phật. Hành giả thiền quán từ giây phút hiện tại về chính bản thân mình như là một vị Phật, đang có một lâu đài thiêng liêng, một đoàn tùy tùng thiêng liêng, những pháp cụ thiêng liêng, và những hành động thiêng liêng về việc thanh tịnh vũ trụ và những cư dân trong đó. Vì vậy, đó là Quả Thừa bởi vì người ta đạt được tiến bộ qua việc thiền định phù hợp với cỗ xe của kết quả.”

Từ đó, Đại Thừa, nói chung, được chia thành Ba-la-mật  Thừa và Chân Ngôn Thừa vì hai Thừa này có những phương tiện khác biệt đáng kể để thành tựu một Sắc Thân Phật mà từ đó hoàn thành những mục tiêu của tha nhân. Nói chung, Tiểu Thừa và Đại Thừa không có khác biệt nhau theo bất kỳ một sự khác biệt nào trong trí tuệ của họ về tánh không, nhưng cần phải được rạch ròi bởi những khác biệt ở những phương pháp tu tập của họ  như đã đề cập đến ở trên. Trường hợp đặc biệt, mặc dù Đại Thừa được chia thành Ba-la-mật Thừa và Chân Ngôn Thừa, sự phân chia này không phải đến từ bất kỳ một sự khác biệt nào về trí tuệ thực chứng tánh không thậm thâm của họ; hai hệ thống Đại Thừa phải được phân biệt rành rẽ dựa trên quan điểm về những khác biệt trong những phương pháp tu tập của họ. Nét chính  yếu của pháp tu trong Đại Thừa là những phương thức tu luyện để đạt được Sắc Thân, và pháp tu đạt được Sắc Thân trong Chân Ngôn Thừa chỉ là pháp Du Già Bổn Tôn, thiền về chính mình như đang có một nét giống với một nét của Sắc Thân. Pháp tu này cao hơn pháp tu được áp dụng trong Ba-la-mật Thừa.
 

Căn cứ vào những môn đệ của Chân Ngôn Thừa, có bốn dạng: thấp, trung bình, cao, và xuất sắc. Bốn lớp học mật tông được dạy qua bốn dạng đệ tự trong tâm. Vì là các đệ tử đi vào Chân Ngôn Thừa qua bốn lớp học của mật tông, cho nên bốn lớp học đó được ví như là “bốn cánh cửa”. Nếu bạn  thắc mắc bốn cánh cửa đó là những gì, thì đó là Ritual Tantra, Conduct Tantra, Yoga Tantra, và Unexcelled Yoga Tantra.  Mật pháp Thời Luân (Kalachakra), sẽ được diễn bày dưới đây, thuộc về lớp Tối Thượng Du Già Tantra (the Unexcelled Yoga Tantra class).

Một diễn giải về Kalachakra, hay Bánh Xe Thời Gian (Thời Luân)

Toàn thể ý nghĩa về chủ đề mật pháp Thời Luân bao gồm nội trong ba Kalachakra, hay là ba Thời Luân:  Thời Luân Trong, Thời Luân Ngoài, và Thời Luân Khác. Thời Luân Ngoài là thế giới cảnh quang ở bên ngoài, và còn được gọi là “sự vận hành của ngày dương lịch và âm lịch ở bên ngoài.” Thời Luân Trong là thân thể con người, đó là một cõi Diêm Phù Đề, hay là mặt đất. Tương tự như vậy, những kinh mạch, những nguyên tố bên trong và những sự chuyển động của khí được xem là Thời Luân Trong. Thời Luân Khác là những sự quán đảnh và những pháp tu Shri Kalachakra cùng với những thành quả thu thập được từ những sự việc này. Thời Luân này “khác” với hai Thời Luân trước. Vị đạo sư làm cho sự tương tục của mối tương quan giữa tâm lý và vật lý của người đệ tử chin muồi bằng những pháp quán đảnh, và người đệ tử tham thiền về phương pháp mà nó bao gồm tiến trình phát khởi và tiến trình hoàn thiện. Qua phương pháp này hành giả du già hiện thực hóa được kết quả tu tập, đó là thân Phật, là linh ảnh của tính Không. Đây là Thời Luân Khác.

Giáo lý của đức Phật về Thời Luân được diễn tả trong Mật Pháp Thời Luân, Thời Luân, Mật Tông Căn Bản:

“Lúc Đạo Sư hiển bày Phật Pháp trên đỉnh Linh Thứu theo hệ Bát Nhã, Ngài còn truyền dạy hệ thống chân ngôn tại Shri Dhanyakataka. Đức Đạo Sư đã truyền dạy những gì, mật điển gì, khi nào và Ngài trú ở đâu? Nơi Ngài trú là gì, người thế gian tham dự là những ai, và mục đích của sự truyền dạy đó là để làm gì?”

“Ngài đã truyền dạy Vô Thượng Đại Thừa, hệ thống Bát Nhã, cho chư Bồ tát trên đỉnh Linh Thứu. Và rồi đấng Như Lai cũng đồng thời cùng trú với chư Bồ tát và những thánh giả khác trong ngôi đại tháp đó, trong mạn đà la của pháp giới. Ngài trú trong ngôi nhà kim cương trùm khắp cả vũ trụ, giữa không gian, phi vật chất và rất là rực rỡ, không phân cách và chói lọi. Ngài truyền dạy mật điển trong Pháp giới xinh đẹp, vì công đức và sự ngộ đạo của loài người.”


Mật Tông Căn Bản cũng có nói rằng: “Rồi thì hóa thân của Kim Cang Thủ, Vua Suchandra từ vương quốc nổi tiếng Shambhala (một vương quốc huyền bí), đi vào Pháp giới đẹp lộng lẫy. Trước tiên, ông đi nhiễu về phía bên phải, rồi với những bông hoa được kết bằng châu báu ông đảnh lễ đôi bàn chân hoa sen của Đức Bổn Sư. Chắp tay ngồi trước Đức Phật toàn hảo, Suchandra thỉnh cầu Đức Phật ban truyền giáo lý mật tông, biên soạn và cả giảng dạy nữa.”

Mật Pháp Thời Luân được truyền dạy bởi  vị Thầy của chúng ta, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài đã chỉ dạy phương pháp mà Ngài đã sử dụng để thực chứng  được sự Giác Ngộ toàn hảo tối thượng dưới cội bồ đề tại Bồ đề Đạo tràng ở Ấn độ, trước rạng đông của một đêm trăng tròn  tháng Tư (tháng Năm tây lịch). Ngài dạy Ba-la-mật thừa một năm. Đặc biệt, tại đỉnh Linh Thứu Ngài đã chuyển Pháp Luân Bát Nhã, Pháp Luân chúa tể, tối thượng của hệ Ba-la-mật của Đại Thừa.

Vào ngày trăng tròn tháng Ba (tháng Tư dương lịch), tháng thứ mười hai tính từ ngày Ngài đạt Giác Ngộ, Đức Phật thuyết giảng Ba-la-mật Thừa trên đỉnh Linh Thứu. Cùng lúc, Ngài hóa hiện một thân khác bên trong đại tháp  Shri Dhanyakataka, gần khu vực Shri Parvata ở miền nam Ấn độ - nơi mà Ngài đã giảng dạy Mật Thừa.

Ngôi đại tháp từ chân đến đỉnh hơn sáu dặm (leagues (?)), và bên trong đại tháp Đức Phật phóng ra hai mạn đà la: bên dưới là mạn đà la của Dharmadhatu Vagishrara, bên trên là đại mạn đà la gồm những tinh tú rực rỡ. Đức Phật trên tòa sư tử Kim Cương ở chính giữa đại Mạn đà la của Kim Cương Giới, trú xứ của đại lạc. Ngài an trú trong Thời Luân Định và trụ trong sắc tướng của vị Lãnh Chúa của mạn đà la đó.

Chúng hội tuyệt hảo vây quanh Ngài trong mạn đà la đó bao gồm một tập hội chư Phật, chư Bồ-tát, các hung thần (thần phẫn nộ), chư thiên, long thần và thiên nữ. Bên ngoài mạn đà la, người thỉnh cầu là thân hóa hiện của Đức Kim Cang Thủ, Vua Suchandra của xứ Shambhala. Ngài đã từ Shambhala đến Shri Dhanyakataka bằng thần thông, và Ngài thỉnh cầu mật pháp Thời Luân được giảng cho đoàn tùy tùng là thính chúng bao gồm: chín mươi sáu quan trấn thủ danh tiếng của chín mươi sáu đại lãnh địa bên trong Shambhala, cùng với một tập hội vô biên của Bồ-tát, chư thiên, quỷ thần, và những kẻ phước duyên khác.
Đức Phật ban phát cho hội chúng Giáo pháp tuyệt hảo – những pháp quán đảnh thế gian và xuất thế gian – và tiên đoán rằng họ đạt được Phật Quả, rồi Ngài truyền dạy hội chúng giáo Pháp Paramadibuddha, mười hai ngàn câu kệ Mật Điển Căn Bản Thời Luân. Đức Vua Suchandra ghi lại thành một pho và dùng thần thông trở về lại Shambhala.

Tại Shambhala, Đức Vua soạn thảo một bản Luận sáu chục ngàn dòng về Mật Tông Căn Bản. Ngài cũng kiến dựng một mạn đà la Thời Luân bằng những chất liệu trân quý. Sau khi bổ nhiệm con trai  là Sureshvara làm vua và cũng là người giảng dạy về mật điển, Đức Vua băng hà. Nhiều vị vua vĩ đại đã xuất hiện trong các triều đại của Shambhala, như: Kalki Yashas, Kalki Pundarika, và nhiều vị khác nữa. Họ đã làm cho Giáo Pháp Thời Luân thâm sâu tỏa sáng như mặt trời và mặt trăng.
Thời Luân tiếp tục được truyền thừa qua sự cha truyền con nối của các quốc vương (“thủ lĩnh”) xứ Shambhala, và cuối cùng nó lại được đưa trở lại vào Ấn độ.  Có hai mẫu chuyện nói về sự việc này xảy ra như thế nào, một chuyện do truyền thống Ra kể và chuyện kia do truyền thống Dro. (Truyền thống Ra và Dro sẽ được nói đến bên dưới).

Theo truyền thống Ra, Thời Luân và những luận giải liên quan đến Thời Luân nổi tiếng khi Giáo Pháp Bồ-Tát xuất hiện ở Ấn độ trong thời gian quốc gia này nằm dưới sự đồng trị của ba vị vua (ba vị vua trị vì cùng một lúc). Lấy Bồ-đề Đạo Tràng làm trung tâm, ba vị vua đó là: Dehopala, Tượng Sư (Thầy của loài voi), ở phương Đông; Jauganga, Nhân Sư (Thầy của loài người), ở phương Nam; và Kanauj, Mã Sư (Thầy của loài ngựa), ở phương Tây. Lúc đó có một đại học giả tên là Cilu, người đã thấu triệt được mọi khía cạnh của Phật Pháp, được sinh ra ở Oissa, một trong năm quốc gia thuộc miền đông Ấn độ.  Đại học giả Cilu nghiên cứu tất cả kinh điển Phật giáo tại Ratnagiri Vihara, Vikramashila, và Nalanda. Đặc biệt là ông đã theo học tại Ratnagiri Vihara, nơi không bị tàn phá bởi người Thổ Nhĩ Kỳ.

Nói chung, Cilu nhận thức được rằng để đạt được Phật Quả chỉ trong một đời thì ông ta sẽ phải cần đến Chân Ngôn Thừa, và đặc biệt là ông ta sẽ cần đến những chú giải rõ ràng về những giáo pháp chứa đựng trong những Bồ-Tát luận. Biết được rằng những giáo pháp này vẫn còn lưu lại ở Shambhala, và dựa vào sự hướng dẫn của vị bổn tôn của mình, ông ta gia nhập với những thương nhân – những người tìm kiếm báu vật chốn đại dương. Sau khi đã thỏa thuận với các thương nhân - những người đang bắt đầu vượt biển, là sáu tháng sau sẽ hội tụ, phần ai nấy đi.
Cilu xúc tiến theo từng giai trình. Và cuối cùng, trong lúc đang trèo trên một ngọn núi, ông gặp một người đàn ông. Người đó hỏi: “Ông đi đâu đây?” Cilu đáp lại rằng: “Tôi đang đến Shambhala để tìm Giáo Pháp Bồ-Tát.” Người đàn ông đó nói lại: “Đến đó thật là khó vô cùng, mà nếu ông có thể hiểu được thì ngay tại đây ông cũng có thể nghe được giáo pháp đó.” Cilu nhận ra được rằng người đàn ông đó là một hiện thân của Đức Văn Thù Sư Lợi. Ông ta đảnh lễ, cúng dường mạn đà la và thỉnh cầu giáo pháp. Người đàn ông đó ban truyền tất cả mọi quán đảnh, luận giải mật điển, và những khẩu truyền sang cho Cilu. Ông ta tóm lấy Cilu, đặt một đóa hoa trên đầu Cilu và ban phước cho, và nói: “Hãy thực chứng trọn vẹn Giáo Pháp Bồ-Tát.” Cilu ngược đường trở lại, họp mặt với những thương nhân và trở về Đông Ấn (độ).
Theo truyền thống Dro, Thời Luân được mang vào Ấn độ bởi đạo sư Kalachakrapada. Một đôi nam nữ thực hành Du già Yamantaka thực hiện nghi lễ để cầu xin sinh được một đứa con trai theo như cách được chỉ dạy trong Mật điển Yamantaka, và có được một đứa con trai. Lớn lên, anh ta được biết là ở phương bắc đích thân các vị Bồ-Tát truyền dạy Phật Pháp, cho nên anh ta đến nghe. Với năng lực tâm linh của mình, vị quốc vương của xứ Shambhala nhận biết được động cơ thuần tịnh và nhiệt tâm truy cầu Phật Pháp thâm sâu của chàng trai trẻ đó. Đức Vua biết rằng nếu chàng trai trẻ đó muốn đến Shambhala thì sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng, bởi vì sẽ mất đến bốn tháng mới băng qua hết được một vùng khô cằn không có nước đó. Do vậy, Đức Vua (the Kalki) sử dụng một hóa thân để gặp chàng trai trẻ bên rìa  sa mạc.
Đức Vua hỏi chàng trai, “Con đi đâu và để làm gì?”. Khi chàng trai trẻ trình bày những ý định của mình thì Đức Vua đáp: “Đường đi rất là khó. Nhưng nếu con muốn hiểu được những điều này thì chẳng lẽ ngay tại đây lại không thể nào nghe được hay sao?” Chàng trai trẻ nhận ra được rằng đây là một hóa thân của Đức Vua và thỉnh cầu giáo pháp. Ngay tại đó, Đức Vua đã ban truyền quán đảnh, và trong bốn tháng Đức Vua đã truyền dạy cho chàng trai tất cả những mật điển tối thượng, đặc biệt là ba luận giải về Giáo Pháp Bồ-Tát. Như một bình chứa đã rót đầy đến miệng, chàng trai trẻ thực chứng và ghi nhớ tất cả mọi mật điển. Trở về lại Ấn đô, chàng trai trẻ trở nên nổi tiếng như là một hóa thân của Đức Văn Thù Sư Lợi, và tên của chàng trai trẻ đó là “Kalachakrapada.”
Hai truyền thống Ra và Dro cho rằng Thời Luân được truyền bá vào Ấn độ bởi Cilu và Kalachakrapada. Thời Luân tiếp tục được nghiên cứu và thực hành ở Ấn độ, và rồi cuối cùng thì truyền sang Tây Tạng. Một lần nữa, truyền thống Ra và Dro là hai dòng truyền thừa chính mà nhờ đó mới có được pháp tu này.
Truyền thống Dro bắt đầu từ chuyến viếng thăm đến Tây Tạng của Học Giả người Kashmir tên là Somanatha.  Somanatha đến Tây Tạng trước tiên là tại Kharag và ở lại trong bộ tộc Ryo. Somanatha nhận 100 ‘lạng’ vàng tiền công và đã dịch sang Tạng ngữ được một nửa bộ đại luận Thời Luân, Vimalapraha, nhưng trong thời gian đó có điều gì đó làm cho ông ta bất mãn và không dịch nữa. Ông ta mang vàng và bản thảo dịch đó đi đến Phan Yul drub.  Tại đó, Chung Wa (?) của bộ tộc Zhang nhận Somanatha làm đạo sư, và Shayrabdrak của bộ tộc Dro đóng vai phiên dịch. Somanatha và Shayrabdrak đã dịch trọn vẹn bộ Vimalaprabha.

Truyền thống Dro tiếp tục truyền đến Lama ChöKu Özer. Vị lạt ma này thấu triệt được tất cả những giáo pháp của bộ tộc Dro, kể cả Thời Luân. Đệ tử của ngài là Lama Galo, người thấu suốt cả hai truyền thống Dro và Ra và trao truyền  lại thành một dòng truyền thừa đã được kết hợp lại thành một.

Truyền thống Ra bắt đầu từ Chorab của bộ tộc Ra, người cháu trái của vị dịch giả nổi tiếng là Ra Dorjedrak, người được sinh ra ở Nyen Ma Mang Yul. Ra Chorab nhớ và hiểu tất cả giáo pháp của bộ tộc Ra. Rồi ông ta ước muốn được học Thời Luân, cho nên ông ta đến trung tâm của Nepal, ở đó ông ta hầu hạ Học Giả Samantashri năm năm mười tháng và năm ngày. Samantashri giải thích tất cả những kinh điển Thời Luân và ban cho Chorab những quán đảnh và khẩu truyền. Rồi Chorab thỉnh mời Samantashri đến Tây Tạng, ở đó họ đã thận trọng dịch những mật điển Thời Luân và những luận giải cho những mật điển này, cùng với những văn kiện phụ lục.

Truyền thống Ra tiếp tục truyền qua con trai và cháu trai của Ra Chorab, và cuối cùng thì truyền đến Lama Galo, như đã nói ở trên. Lama Galo trao truyền cả hai truyền thống Dro và Ra, và dòng truyền thừa của ngài tiếp tục được truyền qua những đạo sư như Buton Rinchendrub và Tsongkhapa.  Việc nghiên cứu và thực hành Thời Luân dựa vào truyền thống Ra và Dro tồn tại cả cho đến ngày nay.

Như tất cả các hệ thống mật tông Phật giáo, căn bản đầu tiên trong việc thực hành mật pháp Thời Luân là sự nhận những pháp quán đảnh phù hợp. Để cho những pháp quán đảnh được ban và nhận một cách đúng đắn thì điều cần thiết là cả đạo sư và đệ tử đều phải có những phẩm chất nhất định. Những phẩm chất của vị đạo sư Chân Ngôn Thừa được trình bày bởi Losang Chökyi Gyaltsen như sau: “Người đó (đạo sư) cần phải điều khiển được những hành vi của thân, khẩu và ý. Người đó cần phải rất là thông minh, kiên nhẫn và không dối lừa. Người đó cần phải biết những chân ngôn (thần chú) và mật chú, thông hiểu thực tại, và đủ khả năng trước tác và diễn dịch kinh sách.” Chúng ta rất may là những đạo sư như vậy có thể tìm kiếm được thậm chí ngay cả thời buổi này.
Người đệ tử cần phải có kinh nghiệm về ba phương diện chính yếu của con đường Đại Thừa: sự từ bỏ luân hồi, bồ-đề tâm, và sự hiểu biết về tánh Không. Nếu người đệ tử chưa thật sự có kinh nghiệm về những điều này, thì người đó ít nhất cũng cần phải có sự thường xuyên quán chiếu và sùng kính đối với những phương diện này.
Điều quan trọng nhất của ba phương diện đó là bồ-đề tâm, là động lực tiên quyết để nhận quán đảnh.  Bồ-Tát Di Lặc định nghĩa bồ-đề tâm trong  Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Abhisamayālaṅkāra) rằng: “Bồ-đề tâm là khát vọng đạt được giác ngộ viên mãn, chân thật vì lợi lạc của kẻ khác.” Khi được áp dụng vào tình huống cá biệt là nhận những pháp quán đảnh, người đệ tử cần phát khởi bồ-đề tâm theo phương cách sau đây: “Vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, tôi phải đạt được trạng thái của Thời Luân Shri. Rồi tôi sẽ có khả năng an định tất cả chúng sinh khác vào trạng thái Thời Luân Shri nữa.”  Một đệ tử nên nhận quán đảnh với một động lực như vậy.

Cái mục đích chung của những pháp quán đảnh mật tông là qua những lễ quán đảnh đó vị đạo sư làm chín muồi sự tương tục của mối tương tác giữa tâm lý và vật lý của người đệ tử.  Ở đây, “làm chín muồi” có nghĩa là vấn đề cho phép người đệ tử có quyền thực hành pháp du già cho tiến trình phát khởi và tiến trình hoàn thiện. Đặc biệt là những lễ quán đảnh Thời Luân cho phép người đệ tử được quyền thực hành du già Mật Pháp Thời Luân, và, vào giai đoạn rốt ráo, đạt đến trạng thái Thời Luân Shri.

Có mười một pháp quán đảnh Thời Luân:  bảy quán đảnh cho “nhập môn như một đứa bé”, ba quán đảnh “tán dương”, và một quán đảnh “suy tôn tột bậc.” Những đệ tử nào nhứt thời  chỉ biết nhắm đến việc có được  những thần lực ở thế gian (những năng lực về pháp thuật hay huyền thuật)  thì chỉ được ban truyền bảy pháp quán đảnh hạ cấp. Những ai mà chủ yếu là chú tâm vào sự thành tựu Phật Quả siêu việt thì được ban truyền cả mười một pháp quán đảnh.  

-         Pháp quán đảnh đầu tiên trong bảy pháp quán đảnh nhập môn như một đứa bé là pháp quán đảnh nước. Điều này giống như việc một người mẹ tắm rửa đứa con ngay sau khi nó vừa được sinh ra. 

-         Pháp quán đảnh thứ hai là quán đảnh ‘suy tôn’ (?), giống như việc kết những chụm tóc cho đứa bé.

-         Thứ ba là quán đảnh ‘băng nơ’, giống như việc xỏ tai đứa  bé và kết đính những đồ trang sức.

-         Thứ tư là quán đảnh ‘chày kim cương và chuông’, giống như một đứa bé cười và nói.
-         Thứ năm là quán đảnh ‘kỷ luật’, giống như sự vui thích của đứa bé đối với năm trần cảnh có thể tạo ra ham muốn.

-         Thứ sáu là quán đảnh ‘tên’, giống như  việc đặt tên cho một đứa bé.

-         Thứ bảy, và cũng là cuối cùng, quán đảnh nhập môn như một đứa bé là pháp quán đảnh ‘ban truyền mật ngôn’. Pháp quán đảnh này cho làm cho người đệ tử có được năng lực loại bỏ những chướng ngại và đạt được những năng lực thần diệu cho sự an định, sự đạt được những thuận duyên, sự chế ngự và hủy diệt.

Ba pháp quán đảnh ‘tán dương’ là: 

-         Quán đảnh bình - sự chứng ngộ đại lạc và tánh Không phát sinh từ việc người đệ tử chạm vào ngực của vị phối ngẫu.

-         Quán đảnh ‘bí mật’- sự  chứng ngộ đại lạc và tánh Không phát sinh từ việc người đệ tử nếm trải hương vị của bồ-đề tâm.

-         Quán đảnh ‘trí tuệ - chứng ngộ’ – kinh nghiệm hoan hỉ bẩm sinh phát sinh từ việc người đệ tử và phối ngẫu cùng tự ra công hợp nhất lại.

Pháp quán đảnh suy tôn tối thượng còn được gọi là “pháp quán đảnh thứ tư”  hay “pháp quán đảnh ngôn tự”. Pháp quán đảnh đại trí tuệ-chứng ngộ, nói ở trên, làm cho người đệ tự có thể thành tựu Bồ-tát địa thứ bảy.  Rồi, mang tính tượng trưng, vị đạo sư biểu thị Thân Chứng Ngộ, đó là sự hợp nhất lại của đại lạc bất biến tối thượng và tính Không mang trong mình nó sự hoàn hảo về mọi phương diện. Trong lúc nói: “Nó là vậy”, vị đạo sư ban truyền pháp quán đảnh thứ tư cho người đệ tử. Pháp quán đảnh này cho phép người đệ tử thực hành việc tu tập đạt đến Giác Ngộ viên mãn trong sắc tướng của  Thời Luân Shri.


Kalachakra Initiations by His Holiness the Dalai Lama
1.         May 1954                   Norbulingka, Lhasa, Tibet                                100,000
2.         April 1956                  Norbulingka, Lhasa, Tibet                                100,000
3.         March 1970                Dharamsala, Himachal Pradesh, India              30,000
4.         January 1971             Bylakuppe, Karnataka, India                             10,000
5.         December 1974          Bodhgaya, Bihar, India                                   100,000
6.         September 1976         Leh, Ladakh, India                                            40,000
7.         July 1981                    Madison, Wisconsin, USA                                  1,500
8.         April 1983                   Dirang, Arunachal Pradesh, India                       5,000
9.         August 1983               Tabo, Himachal Pradesh, India                         10,000
10.       July 1985                    Rikon, Switzerland                                              6,000
11.       December 1985           Bodhgaya, Bihar, India                                   200,000
12.       July 1988                     Zanskar, Jammu & Kashmir, India                   10,000
13.       July 1989                     Los Angeles, California, USA                            3,300
14.       December 1990           Sarnath, Uttar Pradesh, India                         130,000
15.       October 1991               New York, New York, USA                                 3,000
16.       August 1992                Kalpa, Himachal Pradesh, India                        20,000
17.       April 1993                    Gangtok, Sikkim, India                                     100,000
18.       July 1994                     Jispa, Himachal Pradesh, India                         30,000
19.       December 1994           Barcelona, Spain                                                 3,000
20.       January 1995               Mundgod, Karnataka, India                               50,000
21.       August 1995                 Ulaanbaatar, Mongolia                                      30,000
22.       June 1996                    Tabo, Himachal Pradesh, India                         20,000
23.       September 1996          Sydney, Australia                                                3,000
24.       December 1996           Salugara, West Bengal, India                          200,000
25.       August 1999                 Bloomington, Indiana, USA                                 4,000
26.       August 2000                 Kyi, Himachal Pradesh, India                            25,000
27.       October 2002               Graz, Austria                                                      10,000
28.       January 2003               Bodhgaya, Bihar, India                                     200,000
29.       April 2004                    Toronto, Ontario, Canada                                     8,000
30.       January 2006               Amarvati, Andhra Pradesh, India                     100,000 
31.       July 2011                      Washington, DC, USA                                         8,000
32.       January 2012               Bodhgaya, Bihar, India                                     200,000
33.       July 2014                     Leh (Ladakh), Jammu & Kashmir, India           150,000



No comments:

Post a Comment