བདག་ནི་བླ་མ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ་
Theo phong tục, người Tây Tạng rất coi trọng những sự liên kết về huyết thống gia đình, đến mức thậm chí những người Tây Tạng ít học hoặc hoàn toàn không được học hành gì cũng có thể nêu được tên của những người trong dòng họ của mình nhiều đời về trước. Nếu trong gia tộc có người là một vị tulku thì gia phả lại được đúc kết kỹ càng hơn. Tulku được xem là một người đã có khả năng cân nhắc và chọn lựa sự tái sinh cho mình nhằm mục đích dùng Phật Pháp để ban phát phúc lạc đến cho tất cả chúng sinh. Do vậy, chẳng có gì để phải ngạc nhiên khi dòng dõi của Gyalpo Rinpoche có thể được truy ngược về tận nhiều thế kỷ trước. Ở đây chúng ta chẳng cần phải tìm hiểu sâu rộng về vấn đề truy tìm gia phả để làm gì, cho nên chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu về tiểu sử của Gyalpo Rinpoche qua đời sống của Ngài trong lần tái sinh trước đây (kiếp sống trước kiếp hiện tại), tên là Chogtul Trinley Gyatso, được mọi người quen gọi là Lama Phurga (1883-1938).
Lama Phurga sống ở tỉnh Kham của Tây Tạng, tất cả những ai biết đến Ngài đều mang lòng yêu kính. Ngài nổi tiếng vì sự cống hiến trọn vẹn của Ngài cho Phật Pháp. Ngài đã tận tụy với dòng truyền thừa Drikung Kagyu đến mức ba lần trong đời Ngài đã dâng hiến tất cả của cải thế gian của Ngài cho Garchen Trinley Yongkyab, tiền thân của H.E. Garchen Rinpoche. Lama Phurga là một danh y và nổi tiếng về khả năng nhìn thấy được những đời sống quá khứ, hiện tại và vị lai của một con người.
Qua việc đệ trình lên những danh tánh để đức Drikung Kabgon đời thứ 34 là Shiwai Lodro xem xét, việc tìm kiếm hóa thân của Lama Phurga sau khi Ngài qua đời đã được tiến hành một cách rất là nghiêm ngặt. Qua thiền định, đức Drikung Kyabgon cho biết rằng hóa thân mới của vị thầy Lama Phurga chắc chắn sẽ có người cha mà trong cái tên của ông ta có chứa chữ “da” và người mẹ mà trong cái tên của bà ấy có chứa chữ “yung”. Rồi những người phụ trách việc truy tìm thỉnh cầu đức Drikung Kyabgon giúp thêm những chi tiết để được rõ hơn, Ngài vẽ ra những dấu hiệu nói về tuổi và năm sinh của cả cha và mẹ lẫn dấu hiệu nói về tuổi của vị đạo sư mới.
Nhằm giúp cho việc xác định nơi chốn tái sinh của Lama Phurga, đức Karmapa thứ 16 cũng tham thiền để tìm một hiển thị có thể trực chỉ ngay đến được đúng cậu bé hóa thân. Kết quả thiền định của Ngài là một lời tiên tri cho biết rằng vị đạo sư này sẽ sinh vào năm con Thỏ Đất và người mẹ tên là Tashi Yungden.
Đức Tai Situ Pema Wangchen, người cũng từng tham thiền trong thời gian tìm kiếm hóa thân mới của Lama Phurga, gởi lời đến thân phụ của Gyalpo Rinpoche là Behu Trigyal, người đang cai trị vương quốc Drong, báo tin rằng người con trai cả của quốc vương sẽ là người phụng sự chúng sinh qua việc truyền dạy Phật Pháp. Đây chẳng phải là tin tức mà Behu Trigyal muốn nghe bởi Ngài đã sẵn kế hoạch để trưởng nam của Ngài (Gyalpo Rinpoche) kế vị và đảm đương những trách nhiệm thế tục của vương quốc Drong. (Quốc vương) Behu Trigyal càng bác bỏ ý kiến cho rằng Gyalpo Rinpoche là một vị tulku được tái sinh để tiếp tục truyền dạy Phật Pháp thì những chỉ dấu càng khẳng định thêm Gyalpo Rinpoche đích thực là hóa thân của Lama Phurga vừa quá cố.
Sau khi cân nhắc tất cả mọi sự tiên tri, rồi Behu Trigyal cũng đành phải miễn cưỡng đồng ý mà dâng hiến con trai mình cho tu viện, Gyalpo Rinpoche được công nhận là một hóa thân mới của Chogtul Trinley Gyatso, Lama Phurga đã quá cố. Tại tu viện Lo Lungkar Gon ở tỉnh Kham, Ngài đã được tôn phong và được ban Pháp danh là Tulku Konchog Tenzin Sharling Migyur Rinchen Dorje Namgyal.
Khi còn là một đạo sư trẻ tuổi, Gyalpo Rinpoche đã được ban phước để đảm nhận những Pháp sự trong thời kỳ việc giảng dạy đang nở rộ ở Tây Tạng. Và cũng nhờ đó mà Ngài đã nhận được những sự trao truyền và quán đảnh từ những vị Thầy vĩ đại của tất cả những dòng truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng. Một đơn cử nho nhỏ về những sự trao truyền và các pháp quán đảnh mà Ngài đã thọ nhận là những giáo pháp và quán đảnh trân quý thuộc về Kagyed, Gongdu và Kilaya. Ngài cũng đã thọ nhận trọn vẹn những giáo huấn từ những Đạo Sư đã chứng ngộ như Druwang Drubpon Gejung Rinpoche, Lo Bongtrul Konchog Tenzin Drodul, Driter Osel Dorje, Chogtul Thubten Nyingpo, and Ontul Choeying Rangdrol.
Việc diễn giải trực tiếp từ văn tự và những giáo pháp khẩu truyền được ban truyền từ thầy đến đệ tử hết thế hệ này qua thế hệ khác được gọi là một sự trao truyền. Trong khi nhiều hành giả có thể thọ nhận nhiều giáo pháp và quán đảnh thì chỉ một vài người được lựa chọn để xem như là xứng đáng cho sự thọ nhận những trao truyền từ đạo sư.
Có nhiều dạng truyền thừa khác nhau: truyền thừa Karma, một dạng truyền thừa dài, trong đó giáo pháp được truyền từ thầy đến trò; dạng truyền thừa Biểu Hiện, một sự trao truyền giữa những người nắm giữ tri thức với nhau; Khẩu truyền là dạng truyền thừa sự trì tụng một bản văn đã được trì tụng một cách hoàn hảo tạo nên một sự tiếp nối không gián đoạn kể từ lúc bản văn được khai sinh.
Còn có một dạng truyền thừa nữa được gọi là truyền thừa Terma. Những Termas là những giáo pháp “tàng ẩn” đã tìm lại được, những giáo pháp này đã được ghi chép và cất giấu vì phúc lợi của những thế hệ tương lai. Đến đúng thời kỳ để phát huy tác dụng thì những Termas này sẽ được một Khai Mật Tạng Pháp Vương (Terton) khai quật và mang ra khỏi những nơi cất giấu để sử dụng. Một Khai Mật Tạng Pháp Vương là một hành giả vốn đã được giao phó một sứ mệnh như một định Nghiệp là tìm lấy lại những giáo pháp trân quý đã được cất giấu này.
Vào những thời gian nhập thất với những đạo sư của mình, Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận tất cả những dạng truyền thừa từ những vị đạo sư được kết hợp với những giáo pháp thâm sâu và những chứng nghiệm trực tiếp ở nội tâm.
Cái danh sách của những đạo sư và những dòng truyền thừa mà Gyalpo Rinpoche đã nhận những gia hộ thì thật là đa dạng và phong phú. Từ những đạo sư nổi tiếng của dòng Drikung Kagyu là Gelong Pachung Rinpoche và Druwang Kyunga Rinpoche, Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận được những giáo pháp cốt lõi về Đại Thủ Ấn cùng với sự trao truyền về những chứng ngộ nội quán uyên thâm. Vì hiểu được rằng việc thọ nhận giáo pháp chỉ là bước khởi đầu, cho nên Gyalpo Rinpoche đã hành trì từng giáo pháp một ngay từ bước khởi đầu cho đến giai đoạn hoàn thành mà không để cho một lỗi lầm nào xảy ra cả. Do đó, Ngài đã có khả năng để trở thành một người nắm giữ trọn vẹn những sự gia hộ và giáo pháp của Đức Bổn Sư và là một cổ xe thật sự để giải thoát chúng sinh ra khỏi vòng kềm tỏa của sinh tử luân hồi.
Từ Đức Karmapa thứ 16, Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận cả hai giáo pháp uyên thâm của Đại Thủ Ấn và pháp hành trì Tsig-chigma của Đức Karmapa thứ III, Rangjung Dorje. Từ Situ Pema Wangchuk Rinpoche, Ngài thọ nhận nhiều pháp quán đảnh kết hợp với những giáo pháp, luận giải và nội chứng uyên thâm. Từ Zigar Kongtrul Rinpoche, Gyalpo Rinpoche thọ nhận những pháp quán đảnh và giáo pháp Rinchen Terzod kết hợp với những luận giải khẩu truyền và sự truyền trao nội chứng về tất cả những Bổn tôn Yidam.
Từ Ripa Seljey Rinpoche thuộc dòng truyên thừa Barom Kagyu, Gyalpo Rinpoche thọ nhận những quán đảnh và giáo pháp đặc biệt dành riêng cho trường phái Barom Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Từ dòng truyền thừa Nyingmapa, các đạo sư của Ngài, trong đó có cả Dilgo Khyentse Rinpoche, đã ban cho Ngài những lực gia trì để thọ nhận sự trao truyền tổng thể và nội quán về tất cả mật điển (tantras) và sadhanas cùng với sự chú trọng đặc biệt vào những giáo pháp của Dzogchen Nyingthik Yabshi. Những giáo pháp thuộc Dzogchen Nyingthik là một chuỗi kho tàng thiêng liêng từ dòng truyền thừa của Dzogchen Khenpo Nyoshul Lungtok Tenpai Nyima vĩ đại. Nyoshul Rinpoche được cho là người học trò đạt giác ngộ cao nhất của Patrul Rinpoche vĩ đại. Người ta truyền rằng khi Nyoshul Rinpoche qua đời ở tuổi 72, những ánh sáng cầu vồng hình vòm cung uốn cong ngay vùng trời trên đầu cùng với nhiều hiện tượng khác được cho là những dấu hiệu của sự tốt lành về sự ra đi của một bậc thầy đã chứng ngộ.
Từ các vị đạo sư đã chứng ngộ, Poli Khenchen Dorje Chang, Nyoshul Khenpo Jampa Dorje và Khenpo Tauten Rinpoche, Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận nhiều phương pháp hành trì thuộc các pháp quán đảnh, giáo pháp và những hướng dẫn tinh túy khẩu truyền trực tiếp thuộc giáo lý Dzogchen. Những chỉ dẫn tinh túy khẩu truyền trực tiếp là những giáo pháp từ một bậc thầy chứng ngộ truyền trực tiếp xuống cho đệ tử và được phân chia thành bốn giáo khóa là Ngoại truyền, Nội truyền, Bí truyền và Tuyệt Mật truyền. Việc nghiên cứu của Gyalpo Rinpoche tập trung vào các giáo lý thuộc Lengthen Nyingthik, xem xét cốt lõi tinh túy nhất của Tuyệt Mật truyền.
Từ vị đứng đầu dòng truyền thừa Drukpa Kagyu, Gyalwang Drukpa Thamche Kyenpa, và Yogi Rigzin, Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận trọn vẹn những hướng dẫn để đạt đến những tinh túy của pháp Đại Thủ Ấn và Đại Hoàn Thiện. Ngài cũng được ban truyền những giáo lý thiết yếu về Drukpa trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến Doha. Những Dohas là những giáo lý thần bí, thường được ban truyền qua các dạng thơ hoặc bài hát, chứa đựng những giáo lý uyên thâm, chẳng hạn như là trí huệ dẫn đến sự trực chứng.
Từ Jigdral Khyentse Rinpoche, Gyalpo Rinpoche thọ những những giáo pháp là những câu của Gampopa trả lời những câu hỏi của Phagmo Drupa.
Từ Taklung Shandrung Rinpoche và Matul Rinpoche, Gyalpo Rinpoche thọ nhận những giáo pháp về Chakrasamvara Khandro Gyatso cùng với những giáo khoá khác thuộc tông phái Taklung Kagyu.
Từ những vị đạo sư thiêng liêng như Đức Holinesses Sakya Dolma Phodrang, Đức Sakya Phuntsog Phodrang, Đức Luding Rinpoche, và Đức Chogye Trichen, Gyalpo Rinpoche đã được gia trì để thọ nhận những pháp quán đảnh Sakyapa và những giáo pháp đặc biệt về Hevajra, Vajravarahi và Vajra Bhairava.
Từ vị bổn sư của mình, Khunu Rinpoche Tenzin Gyaltsen, người được xem là nguồn nương tựa sống còn của những người tu hành Phật pháp, Gyalpo Rinpoche thọ nhận những giáo pháp nguyên thủy về tinh tuý của các pháp Đại Thủ Ấn và Đại Toàn Thiện mà trọng điểm là ở các pháp Trigchod và Thogal.
Gyalpo Rinpoche đã thọ nhận những giáo pháp như vậy từ những bậc thầy uyên thâm kể trên và hành trì tất cả các giáo pháp đó từ những giai đoạn sơ khởi đến tiến triển, và rồi đến những giai đoạn thành tựu, đặc biệt thể hiện rõ nét nhất là qua những khóa tu nhập thất và thiền định về bổn tôn, trong đó có cả ba khóa nhập thất chính thức và những khóa Hành Trì Thiền Định Bổn Tôn.
Sau khi trốn thoát khỏi Tây Tạng, Gyalpo Rinpoche phục vụ 11 năm với cương vị là một Bộ Trưởng chuyên về những vấn đề trọng yếu trong Nội Các (the Kashag) của chính phủ Tây Tạng lưu vong, sau đó làm Giám đốc điều hành của Trung tâm Những Người Tây Tạng Thủ Công Tự Lực ở Simla, Ấn độ. Lúc thời gian phục vụ sắp tròn 11 năm, Gyalpo Rinpoche được Đức Drikung Kyabgon Rinpoche thỉnh mời về làm việc với Ngài tại Jangchubling, trụ xứ của dòng Drikung Kagyu tại Dehra Dun, Ấn độ. Bởi tâm nguyện vĩnh viễn hiến dâng đời mình cho Đức Drikung Kyabgon Rinpoche và ước mong được phụng sự dòng Drikung Kagyu với tất cả khả năng có được của mình, Gyalpo Rinpoche xin rút lui khỏi công việc của chính phủ Tây Tạng và du hành đến Dehra Dun.
Trong thời gian bên cạnh Đức Drikung Kyabgon Rinpoche, Gyalpo Rinpoche phục vụ với tư cách là Thư ký riêng của Ngài và là Tổng Thư ký của Học viện Drikung Kagyu trong thời gian Học viện này hình thành và đăng ký những thủ tục hành chánh. Gyalpo Rinpoche đã thu nhận được nhiều nguồn tài trợ để bắt đầu công việc xây dựng Tu viện Jangchubling và là người đã từng đóng góp công sức qua nhiều công đoạn khác nhau trong việc xây dựng trụ xứ cho truyền thống Drikung Kagyu đang lưu vong ngoài Tây Tạng.
Trong một nổ lực muốn đích thân thăm viếng những hành giả và các tu sĩ của dòng Drikung Kaygu đang còn trong các tu viện, Gyalpo Rinpoche đã thành công và Ngài đã tổ chức những chuyến thăm đến từng tu viện của dòng Drikung từ Đông Tây Tạng cho đến vùng núi Kailash. Ngài cũng trợ tá cho Đức Drikung Kyabgon Rinpoche trong việc góp nhặt tư liệu và ghi chép thành lịch sử của truyền thống Drikung Kagyu. Trước những hoàn cảnh khó khăn của các dòng truyền thừa khác, Gyalpo Rinpoche đã dựng lên được Trụ Xứ Dorje Drag – nguồn sinh tồn của Truyền thống Nyingmapa – tại Simla, Ấn độ.
Giờ đây, vì muốn xây dựng cho bằng được những tu viện dòng Drikung, những trường học cho những trẻ em của những người Du mục Tây Tạng, và những bệnh viện hiện đại cùng với những chương trình chăm lo sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Kham, Gyalpo Rinpoche vẫn làm việc không quản ngại mệt mỏi, chẳng bận tâm đến vấn đề sức khỏe và tiện nghi cá nhân. Ngài hiện có nhiều Tự Viện đang hoạt động ở Hoa Kỳ, Tự Viện chính thì ở Denville, New Jersey. Ngài cũng có những Tự Viện đang hoạt động ở Đài Loan. Vì các hoạt động cho Phật sự của Ngài quá đa dạng nên Ngài phải dành nhiều thời gian để đến các Tự Viện khác nhau, chăm sóc đời sống cho những học trò của Ngài và khai mở cho họ được hiểu biết tốt hơn về những giáo lý của Đức Phật, của dòng Drikung Kagyu, về cách áp dụng từng ngày những giáo lý này vào việc cải thiện chất lượng đời sống của chính họ lẫn đời sống của những người chung quanh họ.
Thật khó mà tìm được một vị đạo sư thuần tịnh, và những học trò của Ngài đã nhận ra được rằng họ đang nắm giữ trong tay họ một viên ngọc quý, và họ không ngừng cầu nguyện cho Ngài luôn được mạnh khỏe và mọi Phật sự của Ngài luôn được kết quả vuông tròn.
Cầu Nguyện Đạo Sư Luôn Mạnh Khỏe và Trụ Thế Dài Lâu
Tiểu Tăng KÖnchog Da Ö Rinchen
(Bảo Nguyệt Quang)
chuyển sang Việt ngữ tại Tampa Florida, ngày 31 tháng Giêng năm 2015
Nguồn: http://www.gampopa.org/index.php/en/about/74-lanchen-gyalpo-rinpoche
______
No comments:
Post a Comment