🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹
Một lần, trời mùa đông, tuyết, lạnh, tôi đang được cho ở nhờ trên một tài sản ở một vùng hẻo lánh của một ngôi chùa, cách nhà chùa (ở thành phố) đâu quanh quanh hai tiếng lái xe. Lần nọ, hình như là Tết hay lễ gì đó, tôi được chở về chùa và cũng để kiếm chút thực phẩm, đồng thời tôi cũng cần Internet để cập nhật các phần mềm trong các thiết bị vi tính của tôi. Trong chùa có một căn nhà riêng cho thầy trụ trì ở và cũng là nơi các tín đồ cốt cán của nhà chùa tới lui (tôi thấy vậy).
Tôi được chở về và sẽ tạm trú trong căn nhà này vài ngày chi đó, phòng khách thì đối diện cửa ra vào phòng tôi và cách vài bước chân. Ngủ qua một đêm, sáng dậy đang loay hoay lo cập nhật phần mềm cho đồ nghề làm việc, phần thì hối hả lo tìm tài liệu này kia trên mạng bởi sự đến và đi của tôi tuỳ thuộc vào người có phương tiện chở đi, tôi nghe tiếng một người mà tôi nghĩ là một vị thầy từ nơi khác tới, cũng đã cao niên, nói chuyện ngoài đó, rồi bỗng dưng hỏi ông thầy trụ trì (chừng ngoài 40):”Có ai ở trong phòng đó hả?”
Tôi tin là hỏi về phòng tôi, vì cánh cửa để hé, và chẳng còn ai khác ở đó nữa. Và tôi nghe trong giọng nói có một cái ý gì đó không bình thường! Ông thầy trụ trì giọng nửa đùa nửa thật, hỏi lại: “Sao biết?” Ngừng một chút rồi hỏi tiếp: “Bộ thấy đi ngang qua lại hả?” Rồi ngừng tí xíu và tiếp: “A ... a... có ông thầy trong nớ, a... a .. mà ông thầy ni còn ... ....à ..ờ .. còn trẻ lắm!”
Đang ngồi làm công chuyện mà nghe vậy nên thấy có gì đó hơi kỳ kỳ mà lại vừa thấy cái không khí bắt đầu ngột ngạt thêm, và biết là cách gì cũng không thể nào ở lâu với chùa đó được, dù rằng tôi ở cách biệt một mình tại một nơi hẻo lánh cách xa quanh quanh hai tiếng lái xe như đã nói ở trên.
Ngồi nói chuyện thì cứ nói chuyện của mình, còn người ta ở trong phòng thì chuyện của người ta, sao lại phải đi bận tâm, mà lại tới mức phải lên tiếng thắc mắc này kia? Tôi nghĩ là tôi đâu có cái bổn phận phải vừa làm việc phải vừa canh chừng để đi thưa trình hay xen vào chỗ những ai đó đang ngồi nói với nhau, mà nhứt là nói những chuyện chẳng phải thuộc về người tu hành! Hơn nữa, người tu hành thì ngay cả khi gặp nghịch cảnh cũng phải biết nhẫn nhịn, huống thay chi người ta đang ở trong phòng riêng, là thế giới riêng của họ, chẳng động chạm gì tới mình, mà mình lại bận tâm tới mức từ không khiến ra có, rồi hằn học, khó chịu và tạo ra chuyện bất lợi cho họ?
Những ai tu tập theo Tịnh Độ thì cũng nên biết là trong đường tu vẫn đòi hỏi phải biết Nhiếp Tâm. Không biết nhiếp tâm thì làm sao tu tập? Nên chẳng khó khăn gì trong việc tầm sư học đạo nếu mình là người thực sự muốn tầm đạo!
Những lúc sống một mình ở những nơi hẻo lánh, hàng ngày ngoài những lúc công phu tụng niệm ra, có khi cả tháng tôi chẳng tốn một lời với ai hay vào chuyện gì khác cả. Người nào thực sự tu hành, và nhứt là tu thiền, sẽ thấy cái tai hại của việc nói!
Gặp người Việt mặc áo nhà sư ở Mỹ vào thời buổi tùm lum này tôi vốn đã chẳng dám tin ai là thầy tu thực sự. Đã vậy rồi mà hầu hết những người tôi gặp đều thấy khó mà gần gũi được. Ai cũng thích thể hiện cái tôi, quan liêu, hách dịch, thích người khác phải phục tùng mình, thích nói những chuyện chẳng phải của người tu hành. Nhiều lúc ngồi trong bàn ăn với nhau tôi cũng có cảm giác vừa ngột ngạt, chói tai vừa khó ăn vì vấn đề vệ sinh, bởi họ có quyền nói bất kỳ những gì họ muốn, còn mình là khách thì chỉ biết lẳng lặng ngồi cúi đầu vừa ăn vừa nghĩ tới cảnh nước miếng họ văng ra thức ăn khi họ nói, mà nói thì hầu hết đều ráng sức dằn giọng nói cho mạnh, cho to, nội dung thì chẳng gì khác ngoài khoe khoang, hơn này thua kia, nọ sai đó đúng ..., chẳng phải những chuyện thuộc về tu hành, thậm chí là ngược lại. Có những lúc tới bữa ăn tôi cực chẳng đã phải ngồi vào và trông cho mau xong. Có lần, một người quen tới chở đi chợ để mua thức ăn, người đó tới đúng lúc bữa ăn vừa bắt đầu và nhờ vậy mà tôi thoát được một bữa ăn chung, cảm thấy mừng gần giống như là thoát được một đại nạn gì đó, trong khi bước ra ngoài thì tuyết mà bụng thì đói xo.
Có một điều hơi đặc biệt đối với tôi là bản thân tôi cũng đã thuộc loại "gần trời xa đất" rồi mà có bao giờ biết yến sào là gì đâu, nhưng nhờ một lần ngồi trong bữa ăn nghe vài "nhà sư" nói chuyện ăn yến với nhau mà tôi mới biết một ký yến sào có giá $20.000 (hai chục ngàn đô la Mỹ).
Tín đồ nào muốn biết mình có đang thực sự tu tập hay không thì một trong những cách để biết là mỗi khi tới chùa mình không có cảm giác thoải mái hay nhẹ nhàng gì đó theo hương vị trần tục, như rất nhiều người thường có cảm nhận như vậy, mà ngược lại, mỗi lần bước tới chùa thì cái tâm thái khiếp sợ Luân Hồi nó nổi lên. Nếu cảm giác đó càng mạnh thì càng tốt cho mình! Và nếu quý vị có được tâm trạng đó thì quý vị ít nhiều gì cũng có gặt hái được kết quả trong việc tu tập, hay nói đúng hơn là trong việc theo đạo Phật. Và cũng với tâm thái đó, tự nhiên quý vị sẽ cảm thấy không thể nào gần gũi được với những người không thực sự tu hành, cho dù họ có là ai hay chức danh của họ nghe cao siêu tới đâu đi nữa cũng vậy, quý vị sẽ thấy có gì đó trái ngược nhau hoàn toàn! Và cũng từ đó, quý vị sẽ thấy chỉ hạp được với những người thực sự tu hành và có tâm mong cầu được tìm gặp, và rồi nếu không phải nghiệp xấu trong quá khứ quá nặng thì sẽ có ngày chính cái tâm thái đó sẽ dẫn dắt quý vị tìm gặp được và gặp một cách rất là tự nhiên, và trong đời sống hàng ngày chẳng thể nào bị lừa gạt bởi chuyện tâm linh hay bị vướng vào vòng mê tín được!
Những người đã quá già rồi, thuộc các thế hệ trước thì không nói, giới trẻ thời nay, đặc biệt là những người theo đạo Phật, mà vẫn cứ để cho mình ngày càng nhiễm cái tư tưởng Khổng Nho quan liêu, hách dịch và chỉ biết thu mình trong chút kiến thức Khổng Nho được nhập bên Tàu qua xưa nay, mà lại phải “quá giang” người khác diễn giải nữa rồi mới tới mình, thì xét ra sẽ thấy rất nhiều điều vô lý và nên coi lại.
Điều đáng nói là còn rất nhiều người Việt còn trẻ nhưng đã nhiễm cái lối sống quan liêu, kiêu ngạo, ích kỷ của Khổng Nho, ưa nói chữ Nho, dù rằng họ biết là họ nói cũng chỉ tự họ hiểu, rồi nói gì cũng hay lấy những điển tích của người Tàu ra làm “chân lý”, và cứ rứa mà cho mình là thông thái, còn thiên hạ ai mà nói khác thì cho đó là không đúng và thua ta xa! Muốn thực sự tu tập hay học đạo Phật thì trước tiên phải tuyệt đối lánh xa cái loại tư tưởng độc hại này!
Chẳng lẽ ngoài chữ Tàu ra thì trên đời này chẳng còn phương tiện nào khác để học hoặc để biết được đạo Phật?
Chẳng lẽ ngoài chữ Tàu ra thì trên đời này chẳng còn phương tiện nào khác để học hoặc để biết được đạo Phật?
🧘🏻♂️🧘🏻♂️🧘🏻♂️🧘🏻♂️🧘🏻♂️🧘🏻♂️🧘🏻♂️🧘🏻♂️
No comments:
Post a Comment