Bạc-đô (Bardo) có nghĩa là khoảng cách ở giữa; Không chỉ cái khoảng thời gian ngưng trệ sau khi chúng ta chết mà còn cả sự ngưng trệ trong trạng thái đang sống; cái chết xảy ra ngay cả trong trạng thái đang sống nữa.
Sự trải nghiệm bạc-đô đó là một phần của sự cấu thành căn bản về mặt tâm lý của chúng ta. Có đủ loại trải nghiệm bạc-đô lúc nào cũng xảy ra với chúng ta, những trải nghiệm bởi bệnh hoang tưởng và sự bất định trong đời sống hàng ngày; giống như là sự không chắc chắn về nền tảng của chúng ta, không biết gì nhiều về những gì chúng ta đã đòi hỏi hoặc những gì chúng ta đang trở thành.
Cho nên, quyển sách này không những là một thông điệp cho những ai sắp chết và những ai đã chết, mà còn là một thông điệp cho những ai đã sinh ra; sự sinh ra và chết đi diễn ra liên tục với tất cả mọi người, chính ngay tại giây phút này đây.
Sự trải nghiệm bạc-đô có thể được hiểu là sáu cõi hiện hữu mà chúng ta trải qua, sáu cõi của những trạng thái tâm lý của chúng ta. Rồi nó được hiểu là những vị Bổn Tôn khác nhau tiến đến chúng ta, như được diễn tả trong sách. Vào tuần đầu tiên là những vị Bổn Tôn an bình, và tuần cuối cùng là những vị Bổn Tôn xung nộ; có năm vị Phật và các đấng Ẩm Huyết Tôn (Herukas), và những vị Gô-ri (Gauris) – những sứ giả của năm vị Phật, họ tự hiện đến trong đủ mọi loại làm cho khủng khiếp và những dáng vẻ ghê rợn.
Những chi tiết trình bày ở đây hầu hết là những gì xảy ra với chúng ta trong điều kiện sinh sống hàng ngày, chúng không phải chỉ là những trải nghiệm tạo ảo giác hoặc những ảo ảnh xuất hiện sau khi chết. Những trải nghiệm này có thể được hiểu đơn thuần là hoàn cảnh sống; là những gì chúng ta đang nỗ lực tìm hiểu xem.
Nói cách khác, toàn thể vấn đề được căn cứ trên một cách nhìn khác về bức tranh tâm lý của chính chúng ta từ cái nhìn của một tình huống thiền định thực tiễn. Sẽ chẳng có ai giải cứu chúng ta, mọi vật đều được để lại chỉ đơn thuần là cho chính cá nhân đó, cho sự phụ thuộc vào chúng ta là ai. Các sư phụ hay các vị thầy có thể làm náo loạn khả năng này, nhưng về mặt nguyên tắc thì họ không có chức năng nào để cho những điều như vậy xảy ra cả.
Làm sao chúng ta biết được rằng những sự việc này thực tế xảy ra với những người đang chết? Đã có ai từ nghĩa địa trở về và kể cho chúng ta nghe những trải nghiệm mà họ đã trải qua?
Những ấn tượng đó rất là mạnh đến nổi khiến cho có người vừa mới sinh ra có được những ký ức về giai đoạn giữa sự chết đi và sinh ra; nhưng rồi khi lớn lên thì chúng ta được dạy dỗ bởi cha mẹ và xã hội, và chúng ta tự đặt mình vào một bối cảnh khác, từ đó những ảnh hưởng mạnh mẽ thuở ban đầu trở nên phai mờ ngoại trừ những ý tưởng mập mờ thỉnh thoảng bất chợt thoáng hiện qua.
Thậm chí sau đó chúng ta quá sức nghi ngờ về những trải nghiệm như thế, và quá lo sợ cho việc mất mát bất kỳ một nền tảng hữu hình nào theo cái nhìn từ sự sống trong thế giới này, đến nổi bất kỳ một loại trải nghiệm vô hình nào cũng bị đối xử một cách hững hờ hoặc gạt phăng đi tất cả. Nhìn vào tiến trình này từ quan điểm của những gì xảy ra khi chúng ta chết có vẻ như là sự nghiên cứu về một chuyện hoang đường; chúng ta cần một sự trải nghiệm thực tiễn nào đó về tiến trình liên tục này của bạc-đô.
Có sự đối nghịch giữa xác thân và tâm thức, và có sự trải nghiệm không ngừng về sự chết và sự sinh ra.
Cũng còn có sự trải nghiệm về bạc-đô của pháp tánh (bản tánh chân thật của thực tại), ánh linh quang, và về bạc-đô của hình thành, của những người có thể là cha mẹ tương lai hay những tình thế làm nền tảng cho kiếp sống mới.
Chúng ta cũng có những ảo giác về những vị thần an bình và xung nộ liên tục xảy ra ngay chính vào thời điểm này. Nếu chúng ta có cởi mở và thực tế đủ để nhìn vào những hiện tượng đó với tư tưởng này, thì sự trải nghiệm thực sự về cái chết và giai đoạn bạc-đô sẽ chẳng phải chỉ đơn thuần là một chuyện hoang đường hay một cú sốc bất thường, bởi vì chúng ta đã tu luyện với nó và trở nên quen thuộc với trọn cả tiến trình này.
Trích từ: Cẩm Nang Tây Tạng Thoát Luân Hồi, được dịch từ The Tibetan Book of the Dead của Chogyam Trungpa – Shambhala Publication.
Bất kỳ mọi sai trật hoặc lỗi lầm nào (nếu có) do việc chuyển dịch sang Việt ngữ đều là lỗi của Tiểu Tăng Nguyệt Quang Bảo.
No comments:
Post a Comment