Sunday, August 6, 2017

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh





Con thành kính đảnh lễ
Bát Nhã Ba La Mật
Là người Mẹ siêu tuyệt
Của chư Phật ba đời.
Ngôn từ không diễn được,
Không sinh cũng không diệt,
Như tự tánh không gian.
Chỉ có thể trải nghiệm
Bằng trí tuệ vốn dĩ
Nguyên sơ của chính mình.

Kính lễ đấng Đại Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa!


Tôi nghe như vầy,


   Một thời, Đức Thế Tôn ngự ở đỉnh núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá cùng với đại tập hội chư Bồ-Tát và đại Tăng Đoàn Tỳ Kheo.

   Khi đó, Đức Thế Tôn nhập đại định gọi là Diệu Thâm Quang Minh quán sát bản chất của vạn pháp [1].

   Cũng vào lúc đó, Đại Bồ-Tát Thánh Giả Tự Tại Quán Thế Âm thực hành quán sát tường tận Bát Nhã Ba La Mật Đa, kể cả năm uẩn cũng được quán sát tường tận và thấy chúng đều không có tự tánh [2].

   Rồi nương vào Phật lực của Đức Phật, Tôn giả Xá Lợi Tử nói những lời này với Đại Bồ-Tát Thánh Giả Tự Tại Quán Thế Âm:

   "Những thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào mà muốn thực hành tường tận uyên thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thì họ phải tu tập như thế nào?"

   Sau khi được hỏi như vậy thì Đại Bồ-Tát Thánh Giả Tự Tại Quán Thế Âm bảo ngài Xá Lợi Tử rằng:

   "Này Xá Lợi Tử,

   Những thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào có ước muốn hành trì uyên thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thì cần phải quán sát tường tận theo cách này - đó là rốt ráo nhìn thấy một cách đúng đắn rằng ngay cả năm uẩn cũng đều là những sự trống rỗng.

   Hình tướng tức là sự trống rỗng. Sự trống rỗng tức là hình tướng.
   
   Hình tướng chẳng khác sự trống rỗng. Sự trống rỗng chẳng khác hình tướng.

   Tương tự như thế, cảm nhận, suy tưởng, hành vi và tâm thức cũng đều là những sự trống rỗng.

   Này Xá Lợi Tử,

   Như thế, tất cả mọi hiện tượng đều là sự trống rỗng - không có đặc tính, không sinh ra, không mất đi, không ô uế, không lìa sự ô uế, không giảm, không tăng.

   Này Xá Lợi Tử,

   Vì thế cho nên trong sự trống rỗng không có hình tướng, không có cảm nhận, không có suy tưởng, không có hành vi, không có tâm thức.

   Không có mắt, không có tai, không có mũi, không có lưỡi, không có thân, không có ý.

   Không có hình tướng, không có âm thanh, không mùi, không vị, không đối tượng cho sự xúc chạm và không có bất kỳ một hiện tượng nào cả.

   Không có cõi giới cho mắt cho đến không có cõi giới cho ý, cả cho đến không có cõi giới của ý thức.

   Không có vô minh, cũng không có sự đoạn diệt vô minh.

   Không có sự già chết, cũng không có sự chấm dứt già chết.

   Tương tự như thế, không có khổ đau, nguồn gốc của khổ đau; không có sự chấm dứt khổ đau và con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau.

   Không có trí tuệ, không có chứng đắc, và cũng không có không chứng đắc.

   Này Xá Lợi Tử,

   Do đó, vì không có chứng đắc nên chư Bồ-Tát nương vào và an trú trong Bát Nhã Ba La Mật Đa mà tâm không bị chướng ngại, không có sợ hãi, vượt thoát được những ý tưởng tạo bấn loạn và sai lầm, và đạt đến cứu cánh niết bàn.

   Chư Phật trú trong ba thời đều cũng nương theo Bát Nhã Ba La Mật Đa để đạt giác ngộ tối cao, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

   Vì vậy, cần phải biết rằng thần chú Bát Nhã Ba La Mật Đa là thần chú của đại tri thức, thần chú tối thượng, thần chú bằng với không sánh bằng, là thần chú xoa dịu tất cả mọi khổ đau, không hư dối vì vốn chân thật.

   Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa được tuyên thuyết như sau:

Tê Dza Tha! OM Ga-tê Ga-tê Ba-ra-ga-tê Ba-ra-sam-ga-tê Bô-đi Sô-ha!

   Xá Lợi Tử, 

   Một Đại Bồ-Tát nên tu luyện uyên thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa theo lối này."

   Rồi khi đó đức Thế Tôn xuất định và ngợi khen đức Đại Bồ-Tát Thánh Giả Quán Tự Tại: 

   "Thật là tuyệt! Thật là tuyệt!

   Này Tôn giả! Đúng vậy! Quả đúng là như vậy! Bát Nhã Ba La Mật Đa cần phải được hành trì uyên thâm như ông vừa chỉ bày.

   Chư Như Lai cũng đều hoan hỷ."

   Đó là những lời Đức Thế Tôn đã ban truyền.

   Tôn giả Xá Lợi Tử cùng với Đại Bồ-Tát Quán Tự Tại và chư Thánh Chúng tùy tùng, chư Thiên, người ở bốn châu lục, A-tu-la, Càn-thát-bà, người ở thế giới chúng ta đều vui mừng và nhiệt thành tán dương lới Đức Phật dạy.

   Như vậy, bài Kinh Đại Thừa được gọi là "Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh" kết thúc.

Tê Dza Tha! OM Ga-tê Ga-tê Ba-ra-ga-tê Ba-ra-sam-ga-tê Bô-đi Sô-ha!
     (Tụng thần chú này 3, 5 hoặc 7 lần)


   Nam mô,

   Kính lễ Đạo sư,
   Kính lễ Phật,
   Kính lễ Pháp,
   Kính lễ Tăng,

   Kính lễ đấng Đại Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa!

   Nguyện những lời chân thật của con tất thảy đều được hiện thực viên mãn!


   Như xưa kia, Trời Đế Thích - vua của một cõi Trời - suy ngẫm ý nghĩa uyên thâm của Trí Tuệ Siêu Việt, tụng niệm những lời kinh này và nhờ đó mà chặn đứng được tất cả quỷ ma và những chướng ngại khác. Con nay cũng vậy, nguyện sẽ quán tưởng đến ý nghĩa uyên thâm của Trí Tuệ Siêu Việt và tụng niệm những lời kinh này để chặn đứng quỷ ma và những chướng ngại khác.

   Nguyện mọi chướng ngại (một cái vỗ tay) đều được triệt tiêu!
   Nguyện mọi chướng ngại (một cái vỗ tay) đều được tan biến!
   Nguyện mọi chướng ngại đều được vỗ yên, nguyện (một cái vỗ tay) được vỗ yên hoàn toàn!

   Đức Phật đã dạy rằng:

   "Điều gì do tương duyên 
   Mà khởi sinh, hiện hữu
   Thì không sinh không diệt
   Không đoạn cũng không thường
   Không đến cũng không đi
   Không khác cũng chẳng một.
   Dẹp yên mọi hý luận
   Là an lạc chân chính."

   Lời Ngài dạy thiêng liêng
   Con thành kính đảnh lễ.

   
oOo oOo oOo



[1]: Mọi hiện tượng
[2]: Sự trống rỗng - tánh Không.


   Tiểu Tăng Nguyệt Quang Bảo dịch từ một bản tiếng Anh phổ biến trong truyền thống Drikung Kagyu và có tham chiếu bản gốc Tạng ngữ, chủ yếu là để cho chính bản thân mình tụng niệm. 
Mọi sai lầm và thiếu sót đều do bóng tối của vô minh trong tâm trí còn quá dày đặc, con xin thành kính sám hối trước Đạo sư, Đức Quán Tự Tại, chư Phật và chư Bồ-Tát khắp mười phương.

   Nếu có được chút công đức nào, con xin hồi hướng về quả vị Giác Ngộ Toàn Hảo và Tối Thượng của tất cả chúng sinh - đều đã từng là mẹ của con từ thuở thời gian không có sự bắt đầu.

Nguyện tất cả đều được an vui!

No comments:

Post a Comment