Wednesday, September 2, 2015

Hiểu lầm về pháp Dzogchen

Shenphen Dawa Rinpoche

Tôi buộc phải chỉnh lại một vấn đề cho đúng về Dzogchen. Hầu hết quý vị ở phương Tây đều tưởng rằng với việc đọc những Kinh sách thì quý vị sẽ phát huy được sự hiểu biết về Phật Pháp. Để mở mang kiến thức thì đọc sách là một công việc tự nhiên thôi, nhưng quý vị sẽ chỉ phát huy được khả năng hiểu biết của trí thông minh. Còn trí tuệ thì phải xuất phát từ thiền định. Cụ thể là bằng cách đọc Kinh sách thì quý vị không thể nào nhận hiểu được những giáo pháp của Đại Toàn Thiện, Dzogpa Chenpo, hoặc bất kỳ một giáo pháp nào thuộc về Mật Tông.

Trong thực tế, nếu quý vị đọc những Kinh sách về Dzogchen thì khi quý vị được ban truyền những giáo pháp thực sự về pháp tu đó việc đọc sách như vậy rất có thể gây tổn hại đến sự hiểu biết của quý vị. Quý vị sẽ có sẵn một mớ định kiến trong tâm trí mình rằng nó là như thế này, nó là như thế kia, nhưng, rất tiếc là tôi phải nói, hầu như chắc chắn rằng những gì quý vị đã tưởng đó đều là không chính xác.

Tại sao?
Tại sao đọc thì chẳng đủ thiếu vào đâu?
Nó thiếu nhiều thứ. Trước tiên, việc đọc những giáo pháp bí mật mà quý vị đã không được cho phép là hành động không đứng đắn, bất kể động lực nào đã xui khiến quý vị làm như vậy. Trong quý vị có nhiều người  quan ngại về sự riêng tư trong những thư từ quý vị viết, cảm thấy bị tổn thương khi có ai đó đọc thư của mình. Đây là chuyện tào lao của phàm tục. Còn về những Kinh sách bị cấm, hiếm và có những vị bảo hộ canh chừng và bảo vệ thì sao? Quý vị có nghĩ là quý vị có thể dễ dàng đọc được những giáo pháp này không? Quý vị tưởng là những tác giả của những bộ luận về Pháp Đại Toàn Thiện sẽ viết theo một phương cách đơn giản đến mức mà quý vị sẽ có thể hiểu được những gì trong đó hay sao ? Không phải thế đâu, quý vị sẽ chẳng thể nào có được như vậy đâu. Những công trình trước tác này ẩn giấu cái nghĩa thật sự của nó sâu kín giữa những hàng chữ, chữ và mẫu tự.

Cái nghĩa mà quý vị cảm nhận được từ câu chữ mà quý vị đọc không phải là cái nghĩa mà quý vị thực sự muốn tìm. Không, không phải vậy đâu. Đó là một câu viết đúng văn phạm, có ý nghĩa và có vẻ như rõ ràng, nhưng không phải thế. Có những mật mã trong đó. Để đọc và hiểu được nhứng Kinh sách và giáo pháp này, quý vị cần phải được tiết lộ cho những mật mã và mật khẩu (chìa khóa) này.  Những mật khẩu này không phải là ai cũng có thể có được. Những vị đạo sư sẽ không trao mật khẩu đó cho quý vị bởi vì những gì chứa trong Kinh sách đó là vấn đề sinh tử của họ. Chẳng ai đặt sinh mạng của họ vào trong tay quý vị  và nói rằng “Đây là bổn mạng của tôi, quý vị muốn làm gì thì làm.” Kể cả sự liên hệ cá nhân và trực diện nhau của vị thầy và môn sinh hoặc đệ tử cũng không có ở đây.

 Trước hết, quý vị cần có sẵn một mối liên hệ giữa tâm với tâm. Bằng cách đó quý vị nhận được sự ban phép  qua tâm thức. Thứ hai, khi quý vị nhận một giáo pháp từ một vị thầy hoặc vị thầy đó cho phép quý vị đọc một cuốn sách, quý vị nhận được sự cho phép bằng lời (khẩu truyền). Thứ ba, với sự cho phép của vị thầy, quý vị có được sự ban phước (hoặc gia trì) của năm trí tuệ và sự gia trì về hoạt động của tự thân. Một cách bí mật, vị thầy ban năng lực cho quý vị để những bức màng che chướng của quý vị được trực tiếp tháo gỡ đi bởi sự hiện diện của ngài trước mặt quý vị. Nếu không, khi đọc những Kinh sách như vậy mà không có sự cho phép thì quý vị tự gây tổn hại cho chính mình. Tai hại này là nói đến vấn đề nhận thức bị đảo lộn hoặc méo mó về những ánh sáng chói chang của Đại Toàn Thiện khi nó được nhận thức bằng trí thông minh, thay vì kinh nghiệm sự chói ngời của trí tuệ nguyên sơ. Quý vị sẽ hiểu những ánh sáng rực rỡ này như là một bức tranh sơn màu trình hiện trước mắt quý vị. Khi gặp những Kinh sách dẫn người đọc dần vào những chiều sâu khác nhau của tánh Không và những lý giải vi tế về khía cạnh trí tuệ, quý vị sẽ hoàn toàn không hiểu một điều gì về nó cả. Quý vị thậm chí sẽ chẳng hiểu được cái tính Không căn bản đầu tiên, đừng nói gì đến những tầng sâu khác của tính Không đang trước mắt.

 Nếu quý vị muốn có kiến thức này, tôi khuyên quý vị nên nối kết với một vị thầy. “Kết nối với một vị thầy” có nghĩa là quy phục cái ‘tôi’ của quý vị vào vị thầy đó, điều mà có lẽ chẳng dễ dàng gì để thực hiện được đối với quý vị. Tuy nhiên, quý vị sẽ chẳng tự thiêu cháy mình.

 Tôi đã nhận giáo pháp Đại Toàn Thiện nhiều lần từ thân phụ của tôi. Tôi đã gặp nhiều học trò họ diễn tả những cảnh tượng mà họ đã có được về Đại Toàn Thiện. Họ tưởng là họ đã thực chứng và đã đạt được một trình hiện thật sự. Với tôi thì tôi nghĩ trông có vẻ như họ đang chuẩn bị để đi xuống những cõi thấp hơn bởi vì bất kỳ điều gì mà nhìn có vẻ sáng sủa và đẹp đẻ đều không nhất thiết phải là kinh nghiệm của ánh sáng rực rỡ hoặc sự thực chứng. Bên trong cái biểu hiện rực rỡ và đẹp đẽ đó bóng tối cũng có thể hiện diện. Tôi bảo rằng  “Hãy cẩn thận.” Nhiều điều dùng trí thông minh hiểu thì rất tốt, nhưng bất kỳ vấn đề gì liên quan đến trí tuệ và những sự hành trì bí mật như là Dzogchen thì việc đọc sách chẳng nghĩa lý gì cả. Còn người mà đã dịch những gì cho quý vị đọc thì như thế nào? Có phải dịch giả đó là một vị Bồ tát đã thực chứng? Bản dịch đó có hàm chứa cái chiều sâu của cái nghĩa hướng về giải thoát không? Chỉ vì dịch giả có cái vốn ngữ vựng rộng rãi và có thể viết rất trôi chảy và thi vị, cho nên quý vị tưởng đó là sự thực chứng? Không. Sự thực chứng và giáo pháp Đại Toàn Thiện rất đơn giản đến mức quý vị có thể bỏ lỡ nó vì cái tâm phức tạp của mình. Những giáo pháp Đại Toàn Thiện không phức tạp. Rất đơn giản. Đơn giản đến mức quý  vị sẽ không thể tin nỗi. Quý vị sẽ chẳng bận tâm tới nó bởi vì quý vị sẽ nói “Đó không thể là giáo pháp đó!” Nhưng nó lại THẬT SỰ LÀ như vậy đấy.

Dịch từ nguồn:  Shenphen Dawa Rinpoche

Mọi sai trật trong việc chuyển sang Việt ngữ là lỗi của Bảo Nguyệt Quang
Mọi công đức có được xin hồi hướng về tất cả chúng sinh.

Tampa, Florida: 7AM ngày 02 tháng 09 năm 2015

No comments:

Post a Comment