Tịnh Chỉ Quán Đỉnh
H. E. Garchen Rinpoche thuyết giảng
Ngày: 18 tháng 9 năm 2017
Tại: Xindian, Taipei
Nhìn chung, sự quán tưởng của một pháp quán đỉnh khai dẫn chúng ta vào Bồ-đề tâm của chư Phật. Một khi chúng ta đã được khai dẫn, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa về sự tu tập của pháp quán đỉnh đó. Quán đỉnh chỉ ra cho chúng ta thấy cách thức mà chúng ta nên chuyên tâm tu tập như thế nào. Quán đỉnh này đưa chúng ta đến một thực tế cho thấy rằng chúng ta có thể đến được thành tựu. Nếu các trò kết nối với Bồ-đề tâm thì thân và tâm của các trò có thể phát triển thuần thục thành Ba Thân của chư Phật. Thân của các trò là Hoá Thân, khẩu (lời) của các trò là Báo Thân, và ý của các trò là Pháp Thân. Thân, khẩu và ý của các trò có thể thuần thục thành ba thân. Do vậy mà quán đỉnh này được hiểu là “quán đỉnh thuần thục,” và quán đỉnh này là một pháp khai dẫn. Rồi đến các giáo huấn giải thoát giải thích rõ cách chuyên tâm tu tập như thế nào. Một khi các trò đã thọ nhận pháp quán đỉnh thuần thục và các giáo huấn giải thoát, các trò sẽ biết cách để chuyên tâm tu tập như thế nào. Rồi thì các trò phải tự giải thoát chính mình bằng cách thực tế dấn thân vào tu tập.
Về pháp tu bổn tôn, bốn loại mật điển của hệ thống tân mật điển được giảng dạy phù hợp với các căn cơ cao, trung bình hoặc thấp của các hành giả. Các trình độ tu tập khác biệt này được giải thích như thể là chúng tách biệt nhau. Chúng rất là phức tạp. Trong hệ thống cựu mật điển, đức Liên Hoa Sanh đã cô đọng ý nghĩa của tất cả các mật điển lại thành một pháp tu theo thành tựu pháp, bao gồm bốn nhánh phương pháp và thành tựu. Trong bốn nhánh phương pháp và thành tựu, chủ đích của bốn loại mật điển là hoàn hảo. Bốn nhánh phương pháp và thành tựu là: tiến tới, tiếp cận, hoàn thiện và đại hoàn thiện. Bốn nhánh này chỉ khác biệt nhau qua sự trải nghiệm đạt được bên trong cái tâm quán tưởng vòng hoa thần chú. Được biết rằng: “Thiền định phải được gắn liền với trải nghiệm.” Pháp tu bốn nhánh phương pháp và thành tựu phải được hoà nhập với một kinh nghiệm thực tiễn. Sự dung hợp này chỉ diễn ra qua quán tưởng mà thôi. Các trò nên hiểu rằng đây là cách mà các trò tiếp nhận sự truyền thừa pháp tu và các gia trì. Bây giờ, bốn nhánh phương pháp và thành tựu được hoàn thành trong pháp tu này như thế nào? Trước tiên, khi các trò có khả năng quán tưởng chủng tự và vòng thần chú quanh chủng tự một cách rõ ràng thì đây là phương pháp. Thường thì khi người ta tu tập sự tiến tới họ chỉ tập trung vào việc đếm số lượng thần chú mà họ đang tích tập. Thế nhưng, chính lúc mà các trò có thể quán tưởng được chủng tự và vòng thần chú một cách rõ ràng thì đó là lúc các trò đã thực sự hoàn thành sự tích tập thần chú. Pháp tu tiếp cận bắt đầu khi vòng thần chú bắt đầu quay chậm rãi. Khi các trò có thể quán tưởng được vòng thần chú đó xoay tròn thì đó là lúc các trò đang càng lúc càng tiến gần đến vị bổn tôn; đây là pháp tu tiếp cận. Rồi thì vòng thần chú tăng tốc và bắt đầu quay rất nhanh – nhanh tới mức thậm chí không còn có thể nhìn thấy rõ được nữa. Đây là lúc các tia sáng toả ra từ vòng thần chú đó và rồi nhập về trở lại trong đó; đây là sự hoàn thiện. Các tia sáng này dâng các lễ vật cúng dường lên chư Phật ở các tịnh thổ và thanh tẩy các chướng ngại của chúng sinh. Với phương thức này, các trò đang tu luyện sự tập trung tâm trí các trò. Đây là sự hoàn thiện. Đại hoàn thiện là khi cái tâm bám víu vào cái ta của tất cả chúng sinh được phong kín bằng Bồ-đề tâm đặng cho tất cả chúng sinh đều là vị bổn tôn, mà về căn bản thì đó lại là tự tánh của họ. Vào lúc đó, các trò sẽ hiểu được rằng chúng sinh chỉ giống như những khối nước đá. Khi các trò đã thành thục, các trò sẽ hiểu được rằng tất cả chúng sinh đều có thể thành thục. Chẳng hạn, nếu các trò là một khối nước đá đã được làm tan chảy bởi Bồ-đề tâm và biến thành nước, các trò hiểu được rằng tất cả các khổi nước đá đều có thể tan chảy. Đây là đại hoàn thiện.
Trong hệ thống tân mật điển, các mật điển hành động tương ứng với pháp tiến tới. Thứ hai, các mật điển giới hạnh cũng giống như pháp tiếp cận. Thứ ba, các mật điển dô-ga cũng giống như hoàn thiện; và thứ tư, các mật điển tối thượng dô-ga cũng giống như đại hoàn thiện. Do vậy, các trò nên hiểu rằng bản thân các trò và những chúng sinh khác đều có thể được giải thoát, và bốn loại mật điển và bốn nhánh phương pháp và thành tựu đều gắn liền với nhau.
Trong pháp tu về các kinh mạch, khí và các giọt, chúng cũng gắn liền với bốn hỷ lạc. Chúng có tương quan chính xác với phẩm chất nội tại của bốn hỷ lạc. Chẳng hạn, trong pháp tu chuyết hoả (tummo) trong Sáu Giáo Pháp của Naropa, người ta có thể nhận ra Bốn Dô-Ga của Đại Thủ Ấn qua các kinh nghiệm về bốn hỷ lạc này. Bốn hỷ lạc này là pháp dô-ga về nhứt tâm, về giải thoát khỏi hý luận, về nhất vị, và về phi thiền định. Bốn hỷ lạc, bốn dô-ga, cùng với bốn nhánh phương pháp và hoàn thiện, tất cả đều gắn liền với nhau. Tất cả các món này quy về một ý nghĩa duy nhứt. Một khi các trò hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của quán đỉnh, các trò có thể tự ban quán đỉnh cho mình. Sao vậy được? Pháp thân của chư bổn tôn thâm nhập khắp cả như không gian. Báo thân thì giống như một ánh cầu vồng, đến với bất kỳ ai khẩn cầu các ngài, không có chuyện thiên vị. Các ngài không có ý nghĩ rằng “Ta sẽ đến nơi kia vì có một vị thầy đang cầu khẩn. Còn ngươi là kẻ bình phàm, ta sẽ không đến với ngươi.” Các ngài thực sự đến với bất kỳ ai có tín tâm nơi quý ngài. Cho nên, nếu các trò hiểu bản tánh của bổn tôn, các trò có thể nhận lãnh pháp tự quán đỉnh, bởi căn bản tâm thức của vị bổn tôn được tu tập và của hành giả là một. Như đã được nghe rằng “Từ những thuở xa xưa, các trò và Thầy là một.” Nghĩa là “các trò”, tâm thức của vị bổn tôn, và tâm thức của Thầy là một sự diễn tiến liên tục đơn nhất, hệt như một sợi dây điện. Hai thân thể chúng ta hiện ra như hai bóng đèn điện. Nếu các trò có tín tâm và phát khởi Bồ-đề tâm thì các trò có thể tự ban quán đỉnh cho các trò được. Các trò chẳng cần phải làm bất kỳ điều gì khác, các trò có thể chuyên tâm vào pháp tu đó. Nếu các trò hiểu được điều này thì các trò biết được chư Phật ba thời đều bao gồm trong một vị đạo sư. Rồi các trò có thể tự hỏi “Nếu có thể làm được như vậy thì tại sao chúng ta lại phải nương tựa vào một vị đạo sư? Chúng ta không thể chỉ quán tưởng vị đạo sư sao?” Khi các trò quy y – nương tựa vào – đạo sư, các trò có nương tựa vào thân, khẩu và ý của ngài không? Cái thân của vị đạo sư là thân người. Nếu các trò bám dính vào đó thì các trò phàm tục. Được biết rằng “Nếu các trò nhìn đạo sư là một con người thì những sự gia trì các trò sẽ nhận được giống như là những gia trì đến từ một con chó.” Chẳng phải cái thân, mà chính khẩu và ý của vị đạo sư mới là điều quan trọng. Đâu là khẩu và ý của đạo sư? Đó là đây. Chân pháp thân của đạo sư an trụ như không gian, và báo thân của đạo sư thì như một ánh cầu vồng. Thân của đạo sư là hoá thân, khẩu là báo thân, và ý là pháp thân. Ở cấp độ thân hoá thân, chúng ta đều như nhau, cho nên các trò có thể tự quán đỉnh cho mình. Pháp Tịnh Chỉ Quán Đỉnh có ý nghĩa với những ai hiểu được điều này.
Lúc bắt đầu, pháp tu này nói rằng “Tất cả chúng sinh, đều là những bà mẹ, nhiều vô tận theo không gian …” Trước tiên, có một sự phát khởi ra một tâm ý, tâm ý này hoàn toàn không có những mối bận tâm ích kỷ. Đó là “Để cho tất cả chúng sinh, đều đã từng là những bà mẹ, nhiều vô tận theo không gian, được hạnh phúc, được giải thoát khỏi khổ đau, và đạt được Phật Quả, con sẽ tu tập pháp dô-ga tứ quán đỉnh.” Sau khi đã giải thoát chính mình, Thầy sẽ giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi khổ đau. Nhằm giải thoát chính chúng ta ra khỏi sáu cõi luân hồi, chúng ta phải hoàn toàn giũ bỏ sạch những tâm ý bám chặt vào tự ngã. “Sang-gye” (Phật) có nghĩa là, trước tiên, cái tâm ý bám chặt vào tự ngã phải biến mất, điều này giống như là một khối nước đá tan vào tánh bất nhị. Đây là vị Phật tối hậu. Khi Bồ-đề tâm tương đối khởi sinh trong tâm, vị Phật tối hậu sẽ tự nhiên hiện ra. Ví dụ, khi hai khối nước đá đã tan chảy thành một trong đại dương, thì khi đó đâu là hai? Các trò nên tụng niệm dòng này với nhận thức rằng tất cả chúng sinh đều là Phật. Các trò nghĩ “Mình là một khối nước đá, do vậy mình sẽ tự làm tan rã mình trước. Một khi mình đã tan rã xong, mình sẽ thâm nhập cùng khắp.” “Con sẽ tu tập pháp dô-ga tứ quán đỉnh …”
Rồi đến “Con hoá hiện thành đấng bổn tôn.” Về căn bản thì bản thân Thầy thanh tịnh; chỉ tạm thời Thầy đã trở thành giống như một khối nước đá nhỏ. Đấng đạo sư [trước mặt các trò] tượng trưng cho một phẩm chất thanh tịnh. Một sự hoá hiện trong sắc tướng báo thân từ pháp thân hiện ra trông giống như một ánh cầu vồng. Đấng bổn tôn mà Thầy tu tập là đó [trước mặt Thầy]. Thầy là hoá thân. Bởi bản tánh của Thầy chưa thuần thục, Thầy giống như là một khối nước đá. Pháp thân và báo thân thì giống như mặt trời. Bất kỳ một đấng bổn tôn nào cũng đều là bổn tôn của các trò, nếu các trò quán tưởng vị bổn tôn đó – nghĩa là, nếu các trò cứ tiếp tục tu luyện giai trình phát triển thực tế -- các trò sẽ quên cái thân của các trò. Nếu các trò cứ không ngừng nghĩ về bổn tôn của các trò, [thì bổn tôn đó sẽ hiện ra]. Chẳng hạn, khi Thầy nhắm mắt lại, có khi có một chấm đen hiện ra. Điều này thực ra là một dấu hiệu báo cho biết sự bắt đầu bị mù. Những chấm đen đó cứ tiếp tục hiện ra, và khi chúng hiện ra thì Thầy nhớ tới một giáo huấn của đức Jigten Sumgön. Ngài nói rằng người ta có thể quán tưởng đấng bổn tôn vào nơi bị bệnh của họ. Thầy thích đức Tara, cho nên Thầy nghĩ rằng chấm đen đó là đức Tara. Thoạt đầu, có một cái lỗ tí hon như là một lỗ đinh ghim bên trong chấm đen đó. Bây giờ thì đức Tara luôn hiện ra bên trong chấm đen đó. Từ một cái nhìn tối hậu thì điều này nghĩa là thế nào? Thường thì khi chấm đen đó xuất hiện, Thầy sẽ nghĩ rằng “Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng mình sẽ bị mù.” Nỗi sợ sẽ khởi lên trong tâm, và rồi sự việc sẽ chỉ ngày càng tệ đi. Nhưng khi đức Tara hiện ra thì khi đó chẳng có gì để sợ cả; Thầy thực sự an lạc. Khi Thầy sống trong an lạc thì máu của Thầy thay đổi, và căn bệnh dần dần biến mất đi. Điều đó cũng đã giúp đôi chút cho mắt Thầy. Điều này thực sự đã xảy ra, đức Tara hiện ra. Cho nên, đức Jigten Sumgön có dạy rằng “Bất kỳ các trò bị bệnh tật ở đâu, hãy quán tưởng đấng bổn tôn ở đó; đừng nghĩ tới bệnh tật đó.” Đây là lý do tại sao việc quán tưởng sắc tướng của đấng bổn tôn lại làm tan biến được những dấu ấn của nghiệp thuộc về thân.
Câu thần chú chặn đứng các dấu ấn nghiệp thuộc về lời nói. Trong hai dấu ấn này, các dấu ấn về lời nói là tệ hại hơn. Đó là những ý niệm bám chặt vào một sự thật về ý nghĩa của âm thanh. Một khi các trò bắt đầu nói về các hoạt động thuộc về luân hồi, các ý tưởng của sự bám luyến và sân hận không ngừng khởi lên trong tâm, như mưa đang trút xuống vậy. Khi các trò nói về những điều vui vẻ, các trò cười; khi các trò nói về những điều không vui, các trò khóc. Những ý tưởng này bám chặt vào một sự thật về ý nghĩa của âm thanh. Lời nói thì tệ hại hơn. Nếu các trò động phải thân thể một ai đó thì điều đó không đến nỗi tệ hại lắm; các trò có thể xin lỗi về sự sai trái đó được. Còn nếu các trò phát biểu điều gì đó thô tục, thiên hạ sẽ ghim nó vào trong tâm trí họ. Cho nên, vì để thanh tẩy sự bám chặt vào âm thanh, chúng ta tụng niệm thần chú.
Bồ-đề tâm thanh tẩy các dấu ấn nghiệp thuộc về ý; nó thanh tẩy tâm ý. Giai trình phát triển thanh tẩy các dấu ấn thuộc về thân, câu thần chú thanh tẩy các dấu ấn thuộc về khẩu, và Bồ-đề tâm thanh tẩy sự bám víu vào cái tự ngã trong tâm. Rồi thì có pháp giới thể tánh thân: các trò thực chứng thân này khi các trò hiểu được rằng đức Phật, đạo sư và tâm của chính các trò là một. Có bốn thân: pháp thân, báo thân, hoá thân, và pháp giới thể tánh thân. Những thân này liên quan đến bốn pháp quán đỉnh.
Ở đây là các trò quán tưởng vị đạo sư gốc trước mặt các trò, “trong sắc tướng của Bhagavan Śhrī Heruka.” Trong truyền thống Drikung Kagyu, chúng ta quán tưởng đức Chakrasamvara. Các trò có thể quán tưởng đức Chakrasamvara trong tư thế an toạ. Nếu một sự quán tưởng rõ ràng được duy trì thì các dấu ấn nghiệp bám chặt vào sắc tướng cụ thể và các danh từ gán đặt theo khái niệm sẽ sụp đổ. Cho dù sự quán tưởng không được rõ ràng, thì chỉ việc quán tưởng vị đạo sư gốc của các trò bên trong pháp giới đó cũng là điều tốt vậy. Với một số người, vị đạo sư gốc hiện ra một cách tự nhiên hơn nhiều. Chẳng hạn, đức Vajradhara Drubwang [Rinpoche] hiện ra với Thầy một cách tự nhiên, chẳng hề phải dụng công. Ngay khoảnh khắc Thầy nghĩ về ngài, ngài hiện ra như là thật. Khi điều đó xảy ra, cái ý niệm về một cái “ta” cùng với tất cả mọi dấu ấn nghiệp hoàn toàn biến mất. Năng lực của giai trình phát khởi là vậy. Cho nên, các trò có thể quán tưởng vị đạo sư gốc của các trò, các trò không cần phải quán tưởng đức Heruka. Hoặc, nếu các trò thích đức Tara, các trò cũng có thể quán tưởng ngài. Giáo lý nói rằng “Ngài cùng với đấng phối ngẫu Vārāhī của ngài”. Dù các trò quán tưởng vị đạo sư hay một đấng bổn tôn, các trò phải quán tưởng ngài cùng với một đấng phối ngẫu. Lý do là bởi nam và nữ trong sự hợp nhất là biểu hiện bên ngoài của sự hợp nhất tánh Không và lòng bi mẫn. Mật Điển thì được giải thích qua các dấu hiệu, các biểu tượng và các ý nghĩa của chúng. Khi một người bình phàm nhìn thấy sự hợp nhất bên ngoài của nam và nữ -- chẳng hạn như đức Phổ Hiền Vương Như Lai Phật Phụ trong sự hợp nhất với đấng phối ngẫu của ngài – những gì hiện ra trong tâm trí họ là “Có một cặp tiếp xúc với nhau, họ hẳn phải hạnh phúc lắm.” Khi họ nhìn thấy điều này, một ý tưởng sẽ ngay tức thì khởi lên trong tâm trí của bất kỳ một ai có dục vọng. Nhưng sự hỷ lạc này là gì? Sự nhận thức các hình thể cụ thể và các sự gán đặt danh từ theo khái niệm đang sụp đổ; sự bám chấp bình phàm trong tâm sụp đổ khi nó bị áp đảo. Vẻ bề ngoài thì có hai thân thể, nam và nữ, nhưng nội tâm thì trong sáng và trống rỗng. Người nam là tánh trong sáng và người nữ là tánh Không. Khi các trò an trú bên trong cái nhìn của cái tâm trong sáng, trống rỗng và bất nhị thì bên trong cái tâm đó chẳng hề có một sự đau khổ nào dù là đơn giản nhất. Các trò sẽ hiểu được rằng tâm vượt quá sinh và tử. Điều đó được gọi là “pháp thân đại lạc.” Đây là một trạng thái đại lạc diễn tiến, không gián đoạn. Nam-nữ bổn tôn đó nhắc cho chúng ta về trạng thái hỷ lạc không gián đoạn này. Vì vậy, giáo lý nói “Cầm chày kim cương và chuông, ngài cùng với đấng phối ngẫu Vārāhī của ngài. Đấng phối ngẫu của ngài cầm một chiếc dri-gug (drigug) và một hộp sọ. Được trang nghiêm bằng những món trang sức bằng xương, những dải ruy-băng, và châu báu, hai đấng phụ mẫu đứng trong tư thế một chân duỗi và một chân co, trên một pháp toà của Kālaratri và Bhairava. Uyển chuyển theo chín điệu múa, các ngài an trú tự nhiên trong sự quang diệu của các tia chiếu cùng ánh sáng.” Rồi đến một pháp cúng dường ngắn gọn Bảy Nhánh, “lễ lạy, cúng dường, sám hối …” Về ý nghĩa của Bảy Nhánh, được biết rằng đó là pháp hoá giải cho sáu phiền não, thêm hồi hướng là một pháp hoá giải cho sự tham bám vào các nguồn công đức của riêng mình. Rồi giáo lý nói “Đại Thượng Sư Kim Cương Tổng Trì, xin ban quán đỉnh cho con!” Thượng Sư Kim Cương Tổng Trì là ai? Hình thể như ánh cầu vồng thì vượt quá sinh và tử. Ai biết được điều đó? Khi các trò nhìn thấy cái tâm của chính các trò thì [các trò thấy rằng chỉ có] cái thân là sẽ thay đổi. Tâm thì trong sáng và trống rỗng, nhưng nếu nó gắn kết với tâm ý bám chặt vào tự ngã thì nó sẽ trôi lăn trong sáu cõi luân hồi. Khi các trò đạt được Phật Quả thì cái tâm trong sáng và trống rỗng như không gian vẫn còn đó. Nó luôn luôn ở đó; nó không bao giờ chết và cũng chẳng bao giờ được sinh ra. Nó không từ nhân sinh ra và không thể bị duyên huỷ diệt. Không gian có thể biến mất không? Không gian không thể bị diệt và chẳng ai có thể huỷ diệt được nó. Đây là đức Kim Cương Tổng Trì. Đây là tâm của đạo sư, bất kể ngoại thân của ngài là gì. Ngoại hình, ở đây, là báo thân. Nội tâm là pháp thân. Báo thân và pháp thân gắn liền nhau, như một ánh cầu vồng. Dù rằng các trò có thể nhìn thấy rõ ràng các màu sắc của một ánh cầu vồng, nhưng thực chất của nó thì không sờ nắm được; nó trong suốt và trống rỗng, đó là báo thân. Rồi giáo lý nói “Từ cuộn lông giữa hai chân mày của đấng Thượng Sư phụ-mẫu, những tia sáng trắng toả ra và tan hoà vào giữa hai chân mày của con.” Qua sự quán tưởng này, giống như châm lửa vào một đống củi, các trò ban quán đỉnh cho thân các trò bằng hình thể của đấng bổn tôn. Những bước này liên quan đến bốn pháp quán đỉnh. Cho nên, ở đây, hãy nghĩ rằng thân thể các trò chuyển hoá thành giống như là đặt một đống củi vào lửa. Tất cả sự bám chấp vào hình dáng cụ thể và các sự gán đặt danh từ theo khái niệm đã được thiêu rụi hết. Rồi giáo lý nói “Từ điểm hợp nhất của Thượng Sư phụ-và-mẫu các tia sáng trắng đượm ánh sáng đỏ phát ra.” Đa số người ta nói rằng ánh sáng đó phát ra từ cổ họng, nhưng đức Jigten Sumgön thì nói rằng sự gia trì thực tế của thượng sư đến từ việc uống những giọt Bồ-đề tâm chảy ra từ sự hợp nhất của Thượng Sư phụ-và-mẫu trong tiến trình của quán đỉnh thứ ba. “Từ điểm hợp nhất của Thượng Sư phụ-và-mẫu các tia sáng trắng đượm ánh sáng đỏ phát ra, tan hoà vào cổ họng con.” Giòng cam lồ từ điểm bí mật của Thượng Sư nam-nữ nhập vào lời nói của các trò và lấp đầy tất cả các kinh mạch của các trò. Qua sự khởi sinh của sự cực đại hỷ lạc, tất cả các ý niệm bình phàm dừng hết lại. Đây là năng lực được cho thấy trong quán đỉnh thứ ba, được tượng trưng bởi giòng cam lồ nhận được từ cái cốc bằng hộp sọ trong quán đỉnh. “Các tia sáng trắng đượm ánh sáng đỏ phát ra … tan hoà vào cổ họng con, và tẩy sạch các chướng ngại về lời nói của con. Con nhận được quán đỉnh bí mật tối thượng và con trở thành hiện thân lời nói của chư Phật.” Qua những lời này, tất cả mọi âm thanh đã biến thành âm thanh tự vang rền của thần chú. Nếu âm thanh tự vang rền của thần chú được duy trì liên tục thì cánh cửa dẫn vào sự bám luyến vào âm thanh được đóng lại. Và cánh cửa này phải được đóng lại; các trò phải thực sự nhận ra sự bám luyến của các trò vào âm thanh, bởi sự bám luyến vào âm thanh là tai hại vô cùng. Khi [các trò không bám luyến và] nghe âm thanh [của ai đó nói] “Các trò là một vị Phật,” các trò sẽ không cảm thấy được vui; và khi [ai đó nói] “Các trò là một con quỷ,” thì các trò sẽ không bị xúc phạm. Nếu các trò biết rằng những lời nói đều là trống rỗng thì uy lực của thần chú đã hiện rõ. Còn hễ chừng nào các trò còn cố chấp vào âm thanh thì chừng đó tâm của các trò sẽ bị che chướng bởi sự tham luyến và ghét bỏ luân phiên nhau. Chừng nào các trò vẫn còn chưa thực chứng được cái nhìn đó thì chừng đó tâm chấp bám vẫn sẽ còn khởi sinh. Một khi các trò đã thực chứng cái nhìn đó thì khi đó sẽ không còn sự chấp bám vào âm thanh nữa. Như vậy là các trò đã thọ nhận quán đỉnh bí mật tối thượng, hoặc quán đỉnh khẩu. Rồi “Từ cái gút vô tận ở nơi tim của Thượng Sư phụ-và-mẫu, ánh sáng xanh toả chiếu và tan hoà vào giữa tim con, tẩy sạch những chướng ngại của ý con.” Khi các trò nhìn vào bản tánh của đại hỷ lạc này thì thể tánh của đại hỷ lạc trống rỗng tự nhiên. Ánh sáng xanh toả ra từ trái tim, và thân cùng ý trở nên hoàn toàn trống rỗng, như không gian. Đây là quán đỉnh thứ ba, là pháp tu-tập-phối-ngẫu quán đỉnh của Mật Tông, trong đó chúng ta được khai dẫn đến đại hỷ lạc khi các ý tưởng bình phàm không phát khởi. Như vậy, “Con nhận được pháp quán đỉnh thứ ba tối thượng.” Rồi chúng ta thiền về ý nghĩa của pháp quán đỉnh thứ ba tối thượng. “Thượng Sư phụ-và-mẫu tan thành ánh sáng và những tia sáng, rồi tan hoà vào đỉnh đầu con và thanh tẩy sự cố chấp vào ba cửa của con.” Thượng Sư phụ-mẫu tan hoà thành ánh sáng, ánh sáng này biến thành giòng cam lồ nhập vào đỉnh đầu các trò và thanh tẩy ba cửa của các trò. Đấng Thượng Sư, phụ và mẫu là bất nhị. Đấng Thượng Sư và tâm của chính các trò là bất nhị! Đây là pháp giới thể tánh thân. “Con được thọ nhận pháp quản đỉnh thứ tư và tự nhiên thực chứng được bình đẳng quảng đại thể tánh là thân, khẩu, ý và bình đẳng tánh trí của chư Phật.” Đấng Thượng Sư, tâm của chính các trò và đức Phật trở thành một với nhau. Khi các trò an trụ trong cái nhìn tối hậu và biết được rằng chẳng có sự tách biệt nào cả thì đó là trí tuệ của quán đỉnh thứ tư. Trong thời gian của các quán đỉnh bao quát chúng ta được khai dẫn đến điều này trong chữ quán đỉnh. Một khi các trò đã hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của quán đỉnh, các trò có thể nhận quán đỉnh từ chính các trò. Cho dù các trò là người chưa từng nhận một pháp quán đỉnh nào, nhưng là người hiểu rõ sự tu tập của một bộ phận mật tông nào đó, ở một cấp độ bí mật, thì các trò cũng có thể thực tế bước vào tu tập pháp tu đó. Về căn bản, các trò bắt buộc phải có Bồ-đề tâm. Nếu không có Bồ-đề tâm thì cho dù các trò có thọ nhận quán đỉnh và ra công tu tập, kết quả cũng sẽ hạn chế. Nếu có Bồ-đề tâm thì các trò có thể tự ban quán đỉnh cho mình, các trò có thể thọ nhận một pháp tự trao truyền hoặc một sự gia trì được ban cho bằng một bản văn đặt lên đỉnh đầu các trò. Nếu các trò thực sự muốn tu tập Phật Pháp, các trò có thể tự ban sự trao truyền cho mình. Có một số người rất nhiều tín tâm và thực sự rất là muốn tu tập, nhưng họ được bảo rằng nếu chưa thọ nhận quán đỉnh và chưa được trao truyền thì họ không được phép nhìn vào giáo lý đó. Họ rất muốn được biết giáo lý đó nhưng họ cảm thấy rằng nếu không có quán đỉnh thì không thể có cách nào để có được giáo lý đó cả. Thực ra, họ cũng có thể thọ nhận quán đỉnh qua điện thoại và nhiều phương tiện khác. Nhiều người đã nhận quán đỉnh qua truyền hình trực tiếp từ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu các trò hiểu ý nghĩa của quán đỉnh thì chẳng nhứt thiết phải nhận chiếc bình chứa trên đỉnh đầu các trò. Milarepa có dạy rằng “Chạm chiếc bình chứa vào đỉnh đầu của các trò là quán đỉnh ngoại thân. Để thực chứng được thân các trò là thân của bổn tôn thì đó là quán đỉnh nội tâm.” Đó là khi các trò nhận ra được cái thân các trò có thể thành thục. “Sự nhận ra được chính cái tâm của các trò thì đó là quán đỉnh tối thượng.” Để thực chứng được cái nhìn – chân tâm – thì đó là quán đỉnh tối thượng. Quán đỉnh nên được hiểu là “chủ quyền.” Khi các trò thực chứng được chân tâm – trí tuệ nguyên sơ bất nhị -- thì các trò đạt được trạng thái Kim Cương Tổng Trì, vương vị của pháp thân. Các trò đạt được vương vị của pháp thân, và vì để làm lợi lạc cho tha nhân, hoá thân và báo thân sẽ xuất hiện, hoạt động, giống như một đại vương, để làm lợi lạc cho chúng sinh cho đến khi luân hồi không còn nữa. Đó là vương vị của pháp thân, hoặc là quán đỉnh của pháp giới thể tánh thân; ý nghĩa chúng như nhau. “Từ đó, con an trụ trong đại thủ ấn – giác tánh nguyên sơ, vắng bặt suy diễn.” “Vắng bặt suy diễn” có nghĩa rằng chân tâm hoàn toàn không có những cực đoan được suy diễn về hiện hữu và không hiện hữu, vĩnh hằng và hư vô. Khi các trò thiền, cái tâm mà thâm nhập cùng khắp như không gian không phải là một đối tượng của sự phân tích theo khái niệm; do vậy, nó không phức tạp. Suy diễn là sự phân tích theo khái niệm về xác định hay chối bỏ, “nó là vậy” hay “nó không là vậy”. Chân tâm không thể được phân tích theo khái niệm, nó chỉ có thể được thực chứng. Khi các trò thực chứng được trạng thái tự nhiên của đại thủ ấn thì đó là pháp quán đỉnh tối thượng.
“Với công đức này, nguyện con cùng tất cả chúng sinh khác được nhanh chóng đạt được quả vị Thượng Sư tôn kính, an trí tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một chúng sinh nào, vào cùng quả vị đó!” Nếu các trò thực sự muốn tu tập một thành tựu pháp, cho dù các trò chưa thọ nhận quán đỉnh nhưng tận thâm tâm các trò có lòng thành tín và Bồ-đề tâm, thì việc thực hiện pháp Tịnh Chỉ Quán Đỉnh sẽ cho phép các trò chuyên tâm vào pháp tu đó. Đây là ý nghĩa của bí mật.
Lời người dịch:
Nếu có được chút công đức nào trong việc chuyển dịch sang Việt ngữ này, con nguyện xin hồi hướng về quả vị Giác Ngộ Hoàn Hảo và Tối Thượng của tất cả chúng sinh!
Baltimore, Maryland: 9:33 AM thứ Hai, 15/2/2021
Bảo Nguyệt Quang
No comments:
Post a Comment